Nắm bắt đời sống người lao động để kịp thời chăm lo
Xuống cơ sở, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống của công nhân, người lao động (NLĐ) để kịp thời chăm lo, đó là cách mà Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Bình Chánh, TPHCM đã và đang thực hiện.
Ngày 5.1, tại Nhà Văn hóa Lao động huyện Bình Chánh, LĐLĐ huyện tổ chức phát động Chương trình “Tiếp sức, hỗ trợ đoàn viên Công đoàn và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn”.
Bà Trần Thị Cẩm Thúy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh - cho biết, đây là một trong những hoạt động đầu tiên của năm 2024 mà tổ chức Công đoàn huyện Bình Chánh chọn để phát động, triển khai đến Công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc, với mong muốn đổi mới và tăng cường hoạt động chăm lo cho NLĐ trong tình hình mới.
Một trong những nội dung quan trọng của chương trình là tổ chức các hoạt động để chăm lo cho đoàn viên Công đoàn, đoàn viên nghiệp đoàn và NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Trong khuôn khổ chương trình, LĐLĐ huyện đã trao 4 “Mái ấm Công đoàn” (60 triệu đồng/mái ấm) cho đoàn viên, lao động khó khăn về nhà ở. Đồng thời, trao thêm 4 “Bếp ấm - cơm ngon” (5 triệu đồng/suất) cho hộ gia đình được hỗ trợ mái ấm để trang hoàng lại nhà cửa vui Xuân, đón Tết.
Dịp này, LĐLĐ huyện Bình Chánh cũng đã trao 10 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh (5 triệu đồng/suất) cho con đoàn viên, NLĐ vượt khó, vươn lên trong học tập.
Anh Hồ Thanh Tâm - Công nhân Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, là một trong 4 trường hợp khó khăn được nhận Mái ấm Công đoàn, cho biết: “Ngôi nhà của tôi bị nứt, nghiêng, gần sập, nhưng hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn không đủ điều kiện để sửa chữa. Được Công đoàn trao tặng kinh phí sửa chữa nhà tôi rất vui và hạnh phúc. Nhờ Công đoàn mà tôi có một căn nhà đàng hoàng đón xuân cùng gia đình”.
Theo bà Trần Thị Cẩm Thúy - Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, một trong những điểm mới trong công tác chăm lo Tết năm nay là LĐLĐ huyện không chờ đợi các CĐCS gửi danh sách đề xuất, mà ngay từ đầu nhiệm kỳ, LĐLĐ huyện đã phân công, phân nhiệm từng Ủy viên Ban chấp hành và có kế hoạch đi đến cơ sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nắm bắt thông tin dư luận, cũng như đi khảo sát tình hình đời sống của công nhân, NLĐ.
“Ở những nơi mà doanh nghiệp gặp khó khăn chúng tôi chủ động đi đến nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, đời sống, nguyện vọng của đoàn viên Công đoàn. Qua đó, chính đội ngũ cán bộ chuyên trách Công đoàn là những người phát hiện kịp thời những trường hợp khó khăn để chúng tôi “hà hơi tiếp sức”. Bởi vì với chúng tôi, tổ chức Công đoàn phải thật sự đồng hành, gắn bó với đoàn viên, NLĐ. Muốn làm được điều đó thì không thể giậm chân tại chỗ mà bản thân cán bộ Công đoàn phải đi cơ sở để nắm tình hình” - bà Thúy nhấn mạnh.
https://laodong.vn/cach-lam-hay-tu-co-so/nam-bat-doi-song-nguoi-lao-dong-de-kip-thoi-cham-lo-1290526.ldo
PHƯƠNG NGÂN (báo lao động)