Bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua gồm 6 chương với 37 điều, tăng 4 điều so với luật hiện hành. Luật có hiệu lực từ 1.7.2025.
Luật Công đoàn (sửa đổi) tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng LĐLĐVN thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng LĐLĐVN ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ.
Luật bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn. Luật quy định người lao động (NLĐ) Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam; bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp…
Ngoài ra, luật bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐVN; bổ sung trách nhiệm Tổng LĐLĐVN định kỳ 2 năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ 2 năm 1 lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, việc miễn, giảm, tạm dừng kinh phí công đoàn có tác động trực tiếp đến việc cân đối nguồn tài chính công đoàn, bảo đảm nguồn lực cần thiết của toàn hệ thống công đoàn, phân phối kinh phí của Tổng LĐLĐVN.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, thể hiện thống nhất về đối tượng được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, bổ sung quy định “Chính phủ thống nhất với Tổng LĐLĐVN” khi quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn.
Duy trì kinh phí công đoàn để chăm lo tốt hơn cho NLĐ
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngay sau khi Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) khẳng định, Luật Công đoàn (sửa đổi) duy trì kinh phí công đoàn 2% là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn có được nguồn lực chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Quy định này cũng phù hợp với Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh: “Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Ngoài ra, việc tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2% là cơ sở pháp lý vững chắc, thuận lợi cho đa số doanh nghiệp thực hiện, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và đáp ứng được nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ, tạo được sự đồng thuận của xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc quy định công đoàn có quyền chủ động giám sát giúp công đoàn không chỉ thực hiện vai trò theo yêu cầu của NLĐ hay chỉ khi có sự việc xảy ra, mà còn có thể chủ động kiểm tra, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật có liên quan đến NLĐ tại đơn vị, doanh nghiệp. Chủ động giám sát sẽ sớm phát hiện, nhận diện và giải quyết kịp thời các vi phạm đến quyền lợi của NLĐ, như: Nợ lương, chậm trả lương, trả lương không đúng quy định, điều kiện làm việc không an toàn hoặc vi phạm hợp đồng lao động... Điều này góp phần hạn chế các tranh chấp lao động hoặc xung đột kéo dài.
Quy định này còn tạo sự răn đe và thúc đẩy ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, bao gồm các quy định về hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, thời gian làm việc và nghỉ ngơi… tạo sự công bằng cho các bên, chống phân biệt đối xử, quấy rối, đảm bảo môi trường lao động an toàn, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ…
Cũng trao đổi về nội dung này vào ngày 27.11, đại biểu Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - cho rằng, Luật Công đoàn (sửa đổi) được thông qua là niềm vui rất lớn đối với đội ngũ công đoàn trong cả nước, tạo điều kiện rất tốt cho hoạt động công đoàn. Theo đại biểu, các nội dung trong Luật Công đoàn (sửa đổi) đã đáp ứng được mong mỏi của đoàn viên, NLĐ.
“Cán bộ công đoàn cũng rất vui mừng khi quy định về kinh phí công đoàn 2% được duy trì. Đây là một điều kiện rất quan trọng để các cấp Công đoàn tổ chức tốt hoạt động chăm lo cho NLĐ” - đại biểu chia sẻ.
Đại biểu cho biết thêm, quyền giám sát cũng là một nội dung quan trọng. Từ trước đến nay, với tư cách là một tổ chức chính trị - xã hội, Công đoàn đã tham gia với các tổ chức chính trị xã hội khác để thực hiện quyền giám sát. “Khi được luật hóa như này là điều kiện thuận lợi để tổ chức Công đoàn chủ động tổ chức hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát đối với pháp luật lao động trong doanh nghiệp hiện nay” - đại biểu cho biết.