Bà Phạm Thị Hiên (48 tuổi) - công nhân giày da tại Nam Định cho hay, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào mức lương cơ bản.
Tuy nhiên, làm việc hơn 6 năm, lương cơ bản của bà Hiên chỉ tăng bằng người mới làm ở thành phố, bởi nơi đang sinh sống có mức lương tối thiểu vùng khá thấp.
“Cháu tôi làm trên thành phố ngay khi mới vào lương cơ bản đã 4,8 triệu đồng trong khi tôi phải làm 6 năm mới có mức lương này. Những người mới vào công ty tôi làm việc, lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu vùng vài trăm nghìn đồng, khoảng 4,2 triệu đồng/tháng” - bà Hiên cho hay.
Theo nữ công nhân, lương cơ bản thấp ảnh hưởng khá lớn đến thu nhập và quyền lợi hưởng lương hưu sau này. Công ty cũng rất ít khi tăng lương cơ bản nên nữ công nhân luôn mong ngóng điều chỉnh vùng càng sớm càng tốt.
“Ở quê, hiện các mặt hàng giá cả tăng không thua kém thành phố, thậm chí nhiều mặt hàng còn đắt hơn. Mặt khác, theo tôi nên điều chỉnh lại vùng sau khi sáp nhập các xã để người lao động ở quê được tăng lương cao hơn thời gian tới” - bà Hiên bày tỏ.
Theo bà Hiên, nếu điều chỉnh lại vùng, lương cơ bản của bà có thể tăng lên trên 5 triệu đồng do có thâm niên làm việc. Nhẩm tính nhanh, bà Hiên ước tính thu nhập có thể tăng thêm gần 1 triệu đồng.
Bên cạnh đó, bà Hiên chia sẻ, công việc ngày càng áp lực, bà có thể chỉ làm vài năm nữa là nghỉ chờ hưởng lương hưu. Vì thế, nữ công nhân càng mong điều chỉnh vùng sớm để nâng mức lương đóng bảo hiểm xã hội lên cao, an tâm hưởng lương hưu cao về sau.
Chị Phạm Thị Lý (38 tuổi) - công nhân may tại Bắc Giang cho biết, sau quyết định từ Đồng Nai trở về quê làm việc, điều nuối tiếc nhất với chị là mức đóng bảo hiểm xã hội.
Chị Lý cho rằng, cần sửa địa bàn áp dụng lương tối thiểu vùng. Ảnh: Minh Hương.
“Làm việc ở Đồng Nai, tôi được công ty đóng bảo hiểm xã hội mức lương 5,3 triệu đồng. Khi về quê, tôi chỉ được đóng 4,3 triệu đồng, thấp hơn 1 triệu đồng, thiệt thòi rất nhiều khi hưởng các chế độ bảo hiểm” - chị Lý nói.
Theo chị Lý, cần sửa đổi danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng để đảm bảo cuộc sống.
Chia sẻ thêm, nữ công nhân cho biết, điều chỉnh vùng sẽ thu hẹp khoảng cách lương cơ bản giữa các doanh nghiệp, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng.
“Các công ty trả lương theo thời gian, có mức lương cơ bản khá cao và tăng thường xuyên để thu hút lao động. Công nhân may như chúng tôi nhận lương theo sản lượng nên thu nhập gần như không bao giờ tăng nếu không cố gắng mỗi ngày” - chị Lý nói.
Theo chị Lý, làm việc theo thời gian, mỗi đợt lương cơ bản được điều chỉnh tăng thì thu nhập cũng tăng theo. Đây là động lực rất lớn để người lao động an tâm làm việc mỗi ngày, không quá lo lắng khi giá cả các mặt hàng tăng.
Mới đây, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng.
Dự thảo đề xuất danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV như sau:
Vùng I và vùng II, gồm: các xã phường thuộc Thành phố Hà Nội.
Vùng I, vùng II và vùng III, gồm: các xã phường thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hải Phòng.
Vùng II, vùng III và vùng IV, gồm: các xã phường thuộc các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau và các thành phố Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV, gồm: các xã phường thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh.
Vùng III và vùng IV, gồm: các xã phường thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-mong-ngong-dieu-chinh-luong-toi-thieu-vung-som-1508421.ldo