Trên 66.500 lao động nghỉ việc, nhảy việc
Tại Khu công nghiệp Phú Tân (phường Phú Tân, TP Thủ Dầu Một), hàng trăm công nhân quyết định nghỉ việc ở một công ty gỗ. Anh Võ Văn Thành (32 tuổi, quê Cà Mau) là một trong những lao động nghỉ việc ở công ty gỗ để đi tìm việc làm ở công ty khác.
“Tôi làm ở Công ty H.S (chuyên sản xuất đồ gỗ) đã 7 năm. Những năm trước, công ty trả lương đầy đủ, năm nay công ty trả lương chậm trễ. Tôi và một số đồng nghiệp đã quyết định nghỉ việc ở công ty này để đi tìm việc làm mới tốt hơn” - anh Thành chia sẻ.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn toàn tỉnh có tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 66.500 người.
Theo phân tích của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, số lao động kết thúc hợp đồng lao động dưới 35 tuổi là 33.456 người, trên 35 tuổi là 33.062 người. Trung tâm đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 70.000 người trong những tháng đầu năm và giới việc làm được cho 40.368 người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Số người nghỉ việc, nhảy việc chủ yếu là lao động phổ thông
Qua phân tích, số người nghỉ việc, nhảy việc chủ yếu là lao động phổ thông. Số lao động đã qua đào tạo, có tay nghề, có chứng chỉ hành nghề chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Nhiều bạn trẻ nhảy việc xem như đây là cơ hội để trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn. Môi trường làm việc mới, có những thay đổi, giảm bớt sự nhàm chán, sự rập khuôn. Nhảy việc cũng giúp cho lao động trẻ có thêm kiến thức mới và trau dồi đa kỹ năng.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, có những lao động nhảy việc mong muốn sự ổn định, phần lớn họ nghỉ việc đi tìm việc khác, do công việc trước chưa phù hợp với năng lực và mong muốn về mức lương cao hơn. Các chế độ đãi ngộ chưa thực sự tạo sự thu hút. Một số khác nghỉ việc, do chưa có định hướng cụ thể về tương lai, không biết thực sự mình thích gì, muốn gì để theo đuổi và cố gắng. Bên cạnh đó, có một lượng lao động làm việc nhiều năm, muốn nghỉ ngơi, sau một thời gian mới đi làm lại.
Lao động nghỉ việc, nhảy việc trước hết ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương cho biết, một số doanh nghiệp cũng đưa ra quan ngại về việc nhân viên, lao động thường xuyên nhảy việc, đồng thời gặp khó khăn về bàn giao công việc khi nhân viên ra đi.
Đại diện một công ty sản xuất hàng may mặc tại TP Thuận An cho biết, bị ám ảnh bởi tình trạng lao động nghỉ việc, nhảy việc. Nhất là 2 năm gần đây, có một số lượng lớn lao động nghỉ việc để hưởng BHXH 1 lần. Việc này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp. Hơn nữa, thời điểm này, tuyển lao động mới cũng khó khăn hơn.
Về phía người lao động, nhảy việc sẽ mở ra cơ hội mới. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với rủi ro về việc không ổn định trong sự nghiệp. Hoặc có thể mất đi cơ hội thăng tiến, lợi ích dài hạn, hoặc phúc lợi từ công ty. Tiếp đến, sự thiếu nhất quán trong sự nghiệp có thể gây khó khăn khi họ muốn thuyết phục nhà tuyển dụng về khả năng cam kết gắn bó lâu dài trong tương lai. Vì vậy, có những người nhảy việc phải mất thời gian dài mới tìm lại được công việc phù hợp.
Doanh nghiệp thay đổi phương án tuyển dụng
“Các doanh nghiệp đang dần thay đổi chiến lược tuyển dụng. Họ không thông báo tuyển ồ ạt như trước đây, việc này để tránh người lao động nghĩ rằng, doanh nghiệp đang rất cần lao động và đắn đo lựa chọn. Vì vậy, khi người lao động nhảy việc, nên suy xét kỹ, để sau khi nghỉ việc có thể tìm được việc làm mới ngay, tránh bị gián đoạn công việc và gặp những rủi ro khi đi tìm việc làm mới”, ông Trần Ngọc Lương - Giám đốc Công ty Cung ứng lao động Đức Lương cho biết.
https://laodong.vn/viec-lam/nhieu-thach-thuc-khi-lao-dong-o-binh-duong-nghi-viec-1411268.ldo