Đảng viên Dương Xuân Mạnh với sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng
“Đảng là nơi tôi được dìu dắt, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, là nơi tôi nỗ lực hoàn thiện bản thân để cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước” - Chia sẻ của anh Dương Xuân Mạnh, sinh ngày 14/09/1984, công tác tại Công ty cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế (Agitec), thuộc Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH.
“Đảng là nơi tôi được dìu dắt, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, là nơi tôi nỗ lực hoàn thiện bản thân để cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước” - Chia sẻ của anh Dương Xuân Mạnh, sinh ngày 14/09/1984, công tác tại Công ty cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc tế (Agitec), thuộc Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH.
Ngay từ thời sinh viên, anh đã được Chi bộ khoa Nông-Lâm-Ngư, Đảng bộ Trường Đại học Vinh kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Mang trong mình khát vọng của tuổi trẻ, nhiệt huyết của người đảng viên, anh đã rời thành phố Vinh quê hương đến với vùng núi Nghĩa Đàn. Gắn bó với công việc “trồng cỏ, chăn bò”- Một lựa chọn công việc dường như rất “lạ lẫm”, “khó hiểu” đối với công dân trẻ xuất thân từ phố thị như anh.
Rồi “đam mê” dẫn lối, vốn trách nhiệm, hết mình với công việc anh cùng đồng nghiệp đã có nhiều tìm tòi nghiên cứu, nhiều sáng kiến cải tiến để ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và trong quá trình trồng trọt, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, cây trồng có giá trị kinh tế, năng suất sản lượng cao.
Gắn bó với công việc là kỹ sư, phụ trách giám sát bảo vệ thực vật , anh nhận thấy Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH phải sử dụng 100% lượng hạt giống cỏ Mombasa guinea nhập khẩu từ nước ngoài (Braxin, Thái Lan). Lượng hạt giống cần hàng năm trung bình khoảng 2.000 kg (tương đương 593.840.000 đồng). Việc sử dụng nhập khẩu hạt giống này phụ thuộc vào thị trường dẫn tới không chủ động được hạt giống và đặc biệt chi phí cao. Để khắc phục, hạn chế vấn đề này, anh và đồng nghiệp đã nghiên cứu tự sản xuất hạt giống cỏ ngay tại công ty.
Sản xuất hạt giống cỏ Mombasa guinea gồm 4 công đoạn: Thu gom hạt, phơi, phân loại hạt và bảo quản. Trong đó công đoạn thu gom hạt là khó nhất và chiếm phần lớn chi phí. Thay vì thu gom hạt giống thủ công như ở Thái Lan, anh đã gắn thêm 1 máng hứng hạt vào máy thu hoạch cỏ và sử dụng máy thu hoạch cỏ để thu gom hạt giống ngay trên cánh đồng cỏ Mombasa. Việc thu gom hạt giống được thực hiện cùng lúc với hoạt động thu hoạch cỏ và hạt được lấy từ máy thu hoạch nên giảm được nhiều chi phí thu gom hạt giống làm giảm giá thành hạt giống và tiết kiệm cho công ty.
Để có thể sản xuất được hạt giống đạt chất lượng thì phải xác định, lựa chọn được hạt giống tốt, đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng gieo trồng vụ sau. Trước tiên, cần lựa chọn hạt giống từ những cánh đồng có cây phát triển tốt, khỏe mạnh, năng suất cao để giữ lại làm giống.Thu hoạch hạt giống phải đúng thời điểm mùa vụ khi hạt đã chín, đảm bảo chất lượng hạt giống cao.
Công tác bảo quản phơi sấy cũng đòi hỏi kỹ thuật cao. Tránh hạt giống bị mối mọt, ẩm mốc cần phơi sấy đúng cách. Không phơi trực tiếp hạt dưới ánh nắng quá to, quá trình phơi phải liên tục đảo đều, làm thông thoáng kết hợp nhặt các nhánh cây nhỏ, lá cỏ, côn trùng… bị lẫn trong quá trình lấy hạt. Phơi khô trong điều kiện nhiệt độ không cao làm tăng sức sống của hạt giống và bảo quản được lâu dài. Phơi hạt giống cỏ Mombasa cần 03 nắng nhẹ (28-32 độ C) là đạt độ ẩm 8-9%. Thường khi lấy hạt giống ở cánh đồng về, độ ẩm khoảng 25%. Phơi trong nắng nhẹ để rút độ ẩm xuống khoảng 18%. Phơi nắng thứ hai rút độ ẩm xuống khoảng 12% và phơi nắng nhẹ thứ ba rút độ ẩm dưới 9% là đạt yêu cầu. Sau khi phơi đạt yêu cầu tiến hành sảy và sàng nhằm loại bỏ các hạt không đạt yêu cầu, tạo môi trường sạch không cho côn trùng xâm nhiễm.
Với giải pháp tự sản xuất hạt giống cỏ đã giúp công ty chủ động được nguồn hạt giống cho sản xuất trồng trọt, khắc phục được tình trạng thời vụ gieo trồng bị chậm so với kế hoạch do hạt giống về muộn; Tận dụng được khối lượng lớn hạt cỏ từ các cánh đồng và giảm chi phí mua hạt giống, giảm giá thành sản xuất.
Với sáng kiến này, hàng năm anh đã làm lợi cho công ty được: 2.428 kg hạt giống cỏ tương đương hơn 720 triệu đồng/năm. Sáng kiến được áp dụng rộng rãi cho công tác gieo trồng của công ty và các công ty thuộc tập đoàn TH (dự án Thanh Hóa, dự án Phú Yên, Công ty CPTP Sữa Đà Lạt). Sáng kiến của anh đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng Bằng “Lao động sáng tạo”
Không chỉ dừng lại ở đó, anh luôn nỗ lực học tập, rèn luyện nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng tốt hơn với yêu cầu công việc và theo kịp với xu thế thời đại công nghiệp 4.0. Tích cực tham gia các lớp đào tạo, học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp. Như: Khoá học về Nhận thức về phát triển bền vững và áp dụng tại công ty; Kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động; Khí nhà kính; tham gia các khóa học Elearning…Đào tạo về chuyên môn kỹ thuật cho nhân viên. Đồng thời hỗ trợ và hướng dẫn, giúp đỡ, cộng sự về chuyên môn với các bạn đồng nghiệp, xây dựng môi trường làm việc tốt để cán bộ công nhân viên gắn kết và phát huy hết năng lực, cùng nhau lan toả tinh thần thi đua yêu nước và lao động sáng tạo.
Với nhiều thành tích trong chuyên môn, cũng như trong hoạt động phong trào nhiều năm liền anh giấy khen, bằng khen của doanh nghiệp và tổ chức công đoàn các cấp. Đặc biệt vinh dự hơn năm 2025 anh là 1 trong 95 đảng viên là công nhân lao động được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam biểu dương nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt nam (3/2/1930-3/2/2025).
“Vinh dự này sẽ là động lực lớn để tôi cố gắng, nỗ lực, sáng tạo hơn nữa trong việc cải tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại doanh nghiệp, tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò của một Đảng viên góp phần xây dựng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh, xứng đáng với sự kỳ vọng, tin tưởng của cấp ủy, lãnh đạo công ty và của tổ chức Công đoàn” . Anh chia sẻ.