Theo Điều 14 của Dự thảo Luật, người cao tuổi có thể tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc hiện có từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.
Người cao tuổi cũng có thể được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng nghề nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia thị trường lao động.
Dự thảo Luật này còn đưa ra định hướng lâu dài hơn khi nhấn mạnh Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách.
Ghi nhận cho thấy, nhiều người lớn tuổi tỏ ra vui mừng và ủng hộ đề xuất.
Không có lương hưu hay trợ cấp, nhiều người già vẫn ngày ngày mưu sinh dù đã ngoài 60 tuổi. Ông Phạm Văn Quang (67 tuổi, Nam Định) là một ví dụ điển hình.
Ông Quang mong có nhiều việc làm phù hợp và ổn định dành cho người lớn tuổi. Ảnh: Minh Hương.
Ông Quang cho biết, từ khi sức khỏe suy yếu, ông luôn có cảm giác là gánh nặng với con cái.
“Tất cả chi phí sinh hoạt hàng ngày tôi đều nhờ vào các con, mỗi lần ốm đau đi viện lại càng lo hơn. Lo bệnh thì ít, lo tốn kém tiền của, ảnh hưởng đến công việc của các con là nhiều” - ông Quang cho hay.
Ông Quang trước đây từng xin làm bảo vệ nhưng không nơi nào nhận. Phần lớn các bên tuyển dụng đều lo ngại tuổi tác và sức khỏe của ông không thể đảm bảo công việc.
Để có thêm thu nhập, ông Quang đã nhận hoa vải về nhà làm. Tuy nhiên, công việc này cũng chỉ mang về thu nhập vài trăm nghìn đồng/tháng, kéo dài được gần 2 năm thì bên cung cấp không cần nữa càng khiến ông Quang thêm áp lực.
Chia sẻ về nguyện vọng hướng nghiệp, ông Quang cho biết mong muốn được làm công việc nhẹ nhàng, thu nhập không cần quá cao nhưng phải ổn định và linh hoạt trong quá trình làm việc.
“Tôi mong có nhiều tổ chức xã hội ở địa phương hỗ trợ công việc phù hợp cho người lớn tuổi. Thu nhập chỉ cần khoảng 2 triệu đồng/tháng nhưng phải ổn định và dễ dàng xin nghỉ nếu ốm đau hoặc có việc riêng” - ông Quang bày tỏ quan điểm.
Ở tuổi 57, bà Nguyễn Thị Nhàn (Nam Định) vẫn miệt mài thức dậy lúc 4h sáng cùng chồng dọn hàng ra chợ bán mỗi ngày. Vất vả là thế nhưng theo bà Nhàn lời lãi chẳng được bao nhiêu, tháng nào cao mới được 3 triệu đồng.
Mỗi ngày, bà Nhàn dậy từ 4h sáng dọn hàng ra chợ bán mưu sinh. Ảnh: Minh Hương.
Với 3 triệu đồng từ việc buôn bán, bà Nhàn cho biết, phải tiết kiệm tối đa mới đủ cho hai vợ chồng, không phải vay mượn. Tháng nào lời ít hoặc nhiều cỗ bàn, bà Nhàn chia sẻ, con cái vẫn phải hỗ trợ thêm từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đã rất nhiều lần bà Nhàn dò hỏi, xin vào các công ty làm những công việc phụ như nhặt chỉ, trải vải hay dọn dẹp nhưng đều bị từ chối. Lý do bởi các công ty vẫn ưu tiên những người thấp tuổi hơn để đảm bảo hiệu quả công việc.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ việc làm cho người lớn tuổi, bà Nhàn mong chính sách sớm triển khai, đồng thời triển khai một cách toàn diện, thiết thực.
“Tôi mong muốn được vay vốn với lãi suất dưới 3%/năm để yên tâm nhập hàng hóa, mở cửa hàng tại chính căn nhà của mình. Nếu lãi suất cao, tôi sợ rằng sau khi trừ các chi phí chẳng còn lời lãi bao nhiêu” - bà Nhàn nói.
Bà Nhàn cũng mong muốn Nhà nước nghiên cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp tạo ra nhiều công việc phù hợp với người lớn tuổi. Trong đó, bà Nhàn nhấn mạnh đến những công việc thủ công, không quá coi trọng sức khỏe, ai cũng có thể làm được.
https://laodong.vn/cong-doan/chinh-sach-ho-tro-day-nghe-tim-viec-lam-can-phu-hop-voi-nguoi-lon-tuoi-1503513.ldo