Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ hai vào sáng 11.7
Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên thứ hai để trao đổi về phương án lương tối thiểu vùng năm 2026 vào sáng 11.7.
Tiền lương là một vấn đề được công nhân lao động quan tâm. Ảnh: Quế Chi
Phiên họp để trao đổi, thảo luận về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, dự kiến diễn ra từ lúc 10 giờ ngày 11.7 tại Bộ Nội Vụ.
Trước đó, tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (diễn ra vào ngày 26.6), các bên liên quan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về mức đề xuất lương tối thiểu vùng.
Trao đổi bên lề phiên họp thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Tạp chí Lao động - Công đoàn Nhạc Phan Linh, thành viên hội đồng, cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động. Đó là phương án tăng 9,2% và 8,3%.
Các mức tăng lương tối thiểu vùng theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại phiên họp thứ nhất.
Với những phương án nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị tăng lương tối thiểu từ 1.1.2026.
Đề xuất trên được căn cứ trên bối cảnh nền kinh tế nói chung, mục tiêu phát triển kinh tế cùng với những dự báo tới đây; khảo sát và điều tra nắm bắt thường xuyên của tổ chức công đoàn.
Cùng với 2 mức đề xuất tăng lương tối thiểu từ phía đại diện người lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, mức đề xuất điều chỉnh từ 3% đến 5%.
"Mức này là vừa phải, nhằm tăng cường dư địa để doanh nghiệp có khả năng thích ứng, có điều kiện khen thưởng người lao động mẫn cán, đặc biệt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 57 về tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo" - ông nói.
Ông Phòng nhấn mạnh, việc quyết định mức tăng cụ thể cần tiếp tục thương lượng trong hội đồng và hiện chưa có văn bản chính thức. Đại diện người sử dụng lao động cũng đề xuất thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu từ 1.1.2026.
Ông Phòng thông tin thêm, Bộ phận kỹ thuật của hội đồng cũng đề xuất mức tăng lương tối thiểu từ 6,5% đến 7%.
Các mức đề xuất tăng lương của 3 bên đưa ra đều thấy rõ sự chênh lệch rất lớn.
Theo Quyết định số 992/QĐ-TTg của Chính phủ, Hội đồng tiền lương quốc gia có 17 thành viên gồm: Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Mạnh Khương - Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Đinh Hồng Thái - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Các thành viên Hội đồng còn lại, gồm: 4 thành viên đại diện của Bộ Nội vụ; 4 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 3 thành viên đại diện của tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương (gồm 1 thành viên đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 2 thành viên là đại diện của hai hiệp hội ngành nghề ở trung ương có sử dụng nhiều lao động);
2 thành viên độc lập là chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực lao động, tiền lương, kinh tế - xã hội (không bao gồm chuyên gia, nhà khoa học đang công tác tại cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở trung ương).
Hội đồng có Bộ phận kỹ thuật và Bộ phận thường trực giúp việc Hội đồng.
https://laodong.vn/cong-doan/hoi-dong-tien-luong-quoc-gia-se-hop-phien-thu-hai-vao-sang-117-1538094.ldo
HƯƠNG NHA - QUẾ CHI (BÁO LAO ĐỘNG)