Trang chủTin tứcCông đoàn 24/7Hoạt động công đoàn
Hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 02:58 07/07/2025 (GMT+7)
Phân cấp sâu, cải cách thủ tục xuất khẩu lao động

Với mục tiêu đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2025, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Bộ Nội vụ sẽ đẩy mạnh phân cấp và cải cách thủ tục lĩnh vực xuất khẩu lao động, nhằm tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương

Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Hồi cho biết, ngay sau khi xảy ra vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động mới đây, Bộ Nội vụ có cuộc họp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị có liên quan để nghiêm khắc chấn chỉnh.

Đặc biệt, bỏ các “giấy phép con”, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát triển, mở rộng thị trường cũng như đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt nhất cho người lao động; yêu cầu đơn vị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành thực hiện.

“Thậm chí, sắp tới chúng tôi sẽ đề nghị sửa luật, và một số nghị định liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói và cho biết, tiếp tục yêu cầu cải cách quy trình thủ tục, đơn giản hóa cho doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng; sửa lại các cơ chế chính sách, nâng cao năng lực, đạo đức, liêm chính phục vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng yêu cầu từng cán bộ nâng cao đạo đức, trách nhiệm công vụ, tổ chức triển khai tốt nhiệm vụ tại từng vị trí, hiệu quả nhưng không được sai sót; cải cách thủ tục hành chính bảo đảm nhanh, chặt chẽ, đúng quy định và không được lạm dụng để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người lao động.

Xóa rào cản trong xuất khẩu lao động

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) cho biết, một trong những điểm đáng chú ý trong thủ tục hành chính mới liên quan lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Nghị định 128 của Chính phủ quy định về phân quyền, phân cấp trong quản lý Nhà nước lĩnh vực nội vụ có hiệu lực từ ngày 1.7, quy định nhiều điểm mới trong quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong đó, thay đổi đáng chú ý là phân cấp một số thủ tục hành chính liên quan đến quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tại Điều 10 và 11 Nghị định 128 thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các cơ quan Trung ương như trước đây.

UBND tỉnh nhận và ban hành văn bản chấp thuận chuẩn bị nguồn lao động cho doanh nghiệp dịch vụ; trả lời các báo cáo về trúng thầu, đầu tư ra nước ngoài; nhận và trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp thực hiện đăng ký đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài có thời gian từ 90 ngày trở lên.

Ban hành văn bản chấp thuận đăng ký hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài; xác nhận danh sách người lao động Việt Nam đi làm giúp việc gia đình ở nước ngoài. Trước đây, các thủ tục này thuộc về Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 128, UBND cấp xã nơi thường trú của người lao động có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc đăng ký hợp đồng lao động của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trình tự, thủ tục được quy định rõ tại mục 3 phụ lục II kèm theo Nghị định: Người lao động nộp hồ sơ đăng ký hợp đồng lao động; UBND cấp xã xác nhận trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Đồng thời, báo cáo UBND cấp tỉnh và Bộ Nội vụ; trường hợp không xác nhận phải nêu rõ lý do. So với trước đây, theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định 112/2021, nhiệm vụ này do các cơ quan cấp tỉnh hoặc Trung ương thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 74.691 người, đạt 57,4% kế hoạch năm. Trong năm 2025, mục tiêu đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nửa đầu năm 2025, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lớn nhất lao động Việt Nam đi làm việc, với 35.240 lao động, tiếp đến là Đài Loan (Trung Quốc) với 28.206 lao động, Hàn Quốc với 5.650 lao động.

Ngoài ra, Trung Quốc tiếp nhận 1.478 lao động, Singapore 1.100 lao động, Rumani 400 lao động, Hungary 572 lao động và các thị trường khác, cho thấy các thị trường mới tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực.

Chỉ tính riêng trong tháng 6, cả nước có 13.060 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các thị trường tiếp nhận lao động chủ yếu gồm Nhật Bản với 5.338 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) với 6.074 lao động, Hàn Quốc với 673 lao động.

Một số thị trường khác cũng tiếp tục ghi nhận số lượng tiếp nhận ổn định, như Trung Quốc 236 lao động, Singapore 248 lao động, Rumani 83 lao động...

https://laodong.vn/viec-lam/phan-cap-sau-cai-cach-thu-tuc-xuat-khau-lao-dong-1536114.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: