Cán bộ công đoàn tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn. Ảnh: H.Nguyên
Phát triển đoàn viên khu vực phi chính thức
Tại tỉnh Quảng Trị, người lao động (NLĐ) trong khu vực phi chính thức thường phải đối mặt với nhiều thiệt thòi. Họ không có hợp đồng lao động chặt chẽ, không được hưởng bảo hiểm xã hội. Đối với những người làm nghề vận tải, khai thác thủy sản xa bờ còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Lâu nay, người lao động (NLĐ) khu vực phi chính thức thường tự phát tập hợp theo câu lạc bộ, nhóm hội để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong công việc. Tuy nhiên, họ chưa có một tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Với thực trạng này, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã tập trung chỉ đạo thành lập các nghiệp đoàn cơ sở nhằm tập hợp NLĐ hoạt động hợp pháp trong một số ngành nghề, lĩnh vực. Các cấp Công đoàn đã tích cực tổ chức các buổi tư vấn, đối thoại trực tiếp, qua đó giúp họ nhận thức rõ ràng về việc bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Trong năm 2024, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã tiếp cận, hướng dẫn và thành lập hai nghiệp đoàn cơ sở với 87 người lao động tham gia vào tổ chức Công đoàn. Cụ thể, Nghiệp đoàn nghề cá thị trấn Cửa Việt quy tụ 60 đoàn viên, trong khi Nghiệp đoàn lái xe ôtô kinh doanh dịch vụ vận tải với 27 đoàn viên.
Anh Lương Văn Hậu (43 tuổi, quê tỉnh Quảng Trị) là ngư dân chuyên đánh bắt xa bờ. Anh Hậu nói rằng, khi được LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tuyên truyền, vận động, anh và các ngư dân khác mong muốn gia nhập nghiệp đoàn để có sự liên kết, đem lại hiệu quả lớn hơn cho ngư dân đánh bắt ở các ngư trường. “Chúng tôi mong muốn gia nhập nghiệp đoàn để có sự liên kết, hỗ trợ nhau khi lênh đênh trên biển. Khi tham gia nghiệp đoàn, chúng tôi yên tâm hơn và biết rõ quyền lợi của mình” - anh Lương Văn Hậu chia sẻ.
Triển vọng phát triển nghiệp đoàn khu vực phi chính thức
Bà Nguyễn Thị Hoài Lê - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Quảng Trị cho biết, việc phát triển đoàn viên và thành lập nghiệp đoàn khu vực phi chính thức là một quá trình dài hơi, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ.
Để thực hiện, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị đã khảo sát, phân nhóm rõ ràng đối tượng lao động phi chính thức, từ đó đưa ra những kế hoạch phù hợp cho từng đối tượng. Tiếp đó, sử dụng các hình thức tuyên truyền sinh động, dễ hiểu và trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc, giúp họ hiểu rõ quyền lợi khi gia nhập Công đoàn.
Theo bà Lê, một trong những rào cản lớn nhất khiến NLĐ khu vực phi chính thức chưa mặn mà với Công đoàn là lo ngại về kinh phí và cơ sở vật chất. Vì vậy, việc hỗ trợ kinh phí hoạt động ban đầu, tạo điều kiện về địa điểm sinh hoạt sẽ giúp nghiệp đoàn duy trì hoạt động hiệu quả.
“Với những nỗ lực đã và đang thực hiện, LĐLĐ tỉnh Quảng Trị kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho lao động khu vực phi chính thức, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ. Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng phạm vi nghiệp đoàn, nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo lợi ích tốt nhất cho đoàn viên” - bà Nguyễn Thị Hoài Lê nói.
Được biết, trong năm 2024, tỉnh Quảng Trị có 345 doanh nghiệp thành lập mới, 146 doanh nghiệp hoạt động trở lại giải quyết việc làm được gần 3.000 lao động. Tuy nhiên, có đến 435 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể (tăng 18,8% so với cùng kỳ). Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nên chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở cũng gặp khó. Việc phát triển nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức không chỉ giúp NLĐ có điểm tựa vững chắc, mà còn là hướng đi mới để Công đoàn tỉnh Quảng Trị phát triển bền vững.
https://laodong.vn/cong-doan/phat-trien-doan-vien-khu-vuc-phi-chinh-thuc-huong-di-moi-cua-cong-doan-quang-tri-1466641.ldo