Bộ Nội vụ đã đề xuất bỏ ngạch, bậc công chức, thay vào đó quản lý công chức theo vị trí việc làm. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Quản lý công chức theo vị trí việc làm
Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Nội vụ đề xuất tại Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) là quy định quản lý công chức theo vị trí việc làm, bỏ quy định về ngạch, bậc hiện nay.
Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) đánh giá, trả lương theo vị trí việc làm là xu hướng tất yếu đã và đang được nhiều quốc gia thực hiện, có tác động rất tích cực đến nhiều mặt.
Đây được coi là khâu đột phá trong việc tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và đãi ngộ đối với công chức; nâng cao hiệu quả trong từng vị trí việc làm, đảm bảo sự công bằng, khuyến khích công chức làm việc, tránh lãng phí. Vì vậy, theo ông Lê Quang Trung đề xuất trên là rất trúng và đúng, cần thực hiện ngay.
“Vấn đề đặt ra một là, chúng ta phải xác định đúng đối với từng vị trí việc làm, một vị trí việc làm cần xây dựng từng nhiệm vụ cụ thể và mỗi nhiệm vụ phải giải trình được tại sao cần phải làm nhiệm vụ này...” - ông Trung đề xuất.
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã phê duyệt đề án vị trí việc làm nhưng còn nặng về hình thức, chưa bảo đảm chất lượng. “Chúng ta đang quản lý công chức theo kiểu chức nghiệp, tức là sau khi một người được tuyển vào công chức sẽ nhận khoản lương dựa trên lương cơ sở nhân với hệ số lương, rồi sau bình quân 3 năm lại tăng lên một bậc. Nếu được bố trí giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo thì công chức được thêm hệ số lương trách nhiệm” - TS Nguyễn Tiến Dĩnh nêu rõ.
Điều này dẫn đến câu chuyện “sống lâu lên lão làng” - cán bộ công chức càng làm lâu, do tuần tự nâng lương nhiều dẫn đến hệ số lương và bậc lương ngày càng cao hay một việc nhiều người cùng làm, chồng chéo.
Gắn trả lương với cơ chế đánh giá
Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), trong khu vực tư, việc trả lương theo vị trí việc làm đã được thực hiện từ rất lâu, như người làm vị trí giám đốc nhận lương giám đốc, vị trí trưởng phòng nhận lương trưởng phòng, nhân viên nhận lương nhân viên. Do vậy với khu vực công, ông Phạm Minh Huân cho biết, cần sớm nghiên cứu thực hiện.
Việc trả lương theo vị trí việc làm khi thực hiện cần phải xuất phát từ việc rồi mới phân nhân sự, chứ không phải từ nhân sự mới phân việc. Cần xác định lại trong một cơ quan có bao nhiêu đơn vị, một đơn vị có bao nhiêu việc, một việc cần bao nhiêu người rồi từ đó sắp xếp lại nhân sự, cắt giảm và điều chuyển sao cho đúng vị trí việc làm. Mô hình này nhiều nước vận hành rất tốt.
“Phải xác định rõ, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm bản chất là tinh giản biên chế, thậm chí phải thu hút người tài vào bộ máy để thay đổi. Cùng với đó cần gắn trả lương với cơ chế đánh giá cán bộ, công chức. Việc này rất khó nhưng phải quyết tâm làm, phải xây dựng được một phương thức đánh giá và thực hiện việc đó” - ông Phạm Minh Huân chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, người làm việc kém phải bị giảm lương, làm tốt phải được tăng lương. Hiện nay chúng ta chủ yếu đánh giá cán bộ công chức gắn với tiền thưởng. Nhưng quan trọng là đánh giá cán bộ, công chức, viên chức phải gắn với tiền lương. Như vậy việc cải cách tiền lương mới có chiều sâu và thực sự thành công.
https://laodong.vn/cong-doan/tra-luong-theo-vi-tri-de-tinh-gon-bo-may-1492542.ldo