50 năm nhớ mãi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ công đoàn
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người đã nói rõ về mục đích và tổ chức, hoạt động của công hội: Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có tình cảm; để nghiên cứu với nhau; để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn; để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới.
Những năm đầu mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bài đăng trên báo Cứu Quốc (số 390, ngày 29.10.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “1) Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém. 2) Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng. 3) Công đoàn có nhiệm vụ gìn giữ quyền lợi cho công nhân và giúp Chính phủ trong việc xây dựng đất nước. 4) Chính phủ Việt Nam là một chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn. Bộ luật Lao động Việt Nam sẽ nhận cho công nhân Việt Nam có quyền tự do tổ chức, quyền tự do bãi công...”.
Có thể nói, Công đoàn Việt Nam là tổ chức có địa vị pháp lý sớm nhất khi nhà nước dân chủ được thành lập chưa đầy 2 năm. Ngày 2/3/1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 29 về quyền của những người làm công tương tự như Luật lao động ngày nay và đã dành một chương với 22 điều quy định người lao động có quyền có tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình, công đoàn có tư cách pháp nhân. Sau đó ngày 5/11/1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 108 ban hành Luật công đoàn do Quốc hội Khóa I thông qua. Đây là chỗ dựa pháp lý đầu tiên để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong chế độ mới, mà sau đó được văn kiện cơ bản của Đảng và của Nhà nước (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, luật Công đoàn mới) kế tục và phát triển.
Năm 1961, nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng”.
Phát biểu tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc năm 1962, Bác mong muốn, cán bộ công đoàn cần có tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, quyết tâm khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ mà Đảng đã giao phó. Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Cán bộ Công đoàn “phải giỏi cả về chính trị, thạo về kinh tế” thì mới lãnh đạo được đội ngũ công nhân ngày càng phát triển lại có trình độ cả về tư tưởng văn hóa, kỹ thuật.
Bác nhắc nhở: Cán bộ công đoàn phải tham gia lao động, gần gũi công nhân viên chức. Cán bộ công đoàn mà xa công nhân thì làm tròn nhiệm vụ làm sao được? Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn.
Trong công tác: “Cán bộ công đoàn phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”. Mỗi công nhân, viên chức phải tự nguyện, tự giác giữ kỷ luật lao động, phải làm đủ 8 giờ vàng ngọc, phải giữ gìn của công và thực hành tiết kiệm.
Người khẳng định: Nước ta nghèo, muốn sung sướng thì phải cần cù lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, là nguồn tạo nên hạnh phúc của mọi người và cho cả thế hệ mai sau. Cán bộ, công nhân, viên chức đã hiểu như vậy cho nên đã cố gắng làm việc tốt. Nhưng vẫn còn một số chưa hiểu đúng như thế cho nên lười biếng lao động.
Bác lưu ý: “Nếu ai cũng hăng hái làm mà có một số công nhân lười cũng không được. Muốn giữ kỷ luật lao động phải có tinh thần hăng hái, có tính sáng tạo. Tính hăng hái, sáng tạo tỏ ra ở chỗ thi đua. Thi đua không phải là tranh đua. Mọi người phải cố gắng tiến bộ, không giấu nghề, người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ”.
Quên sao được và cảm động biết bao đối với các thế hệ cán bộ công đoàn là đúng 45 ngày trước lúc Người ra đi, ngày 18.7.1969, khi mà sức khỏe Bác rất yếu, Bác đã dành trọn buổi gặp và nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo Tổng Công Đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Với giọng nói ân tình gần như di chúc riêng cho cán bộ công đoàn: “Bác đã nhiều lần gặp công đoàn, hôm nay lại gặp các chú. Bác mong muốn các chú làm tốt công tác vận động, tổ chức, giáo dục công nhân, viên chức”, mọi người phải thấm nhuần sâu sắc ý chí làm chủ tập thể và đạo đức cách mạng “mình vì mọi người”. Cán bộ công đoàn “phải thấy hết trách nhiệm trước nhân dân, trước xã hội”.
Muốn giáo dục tốt công nhân, trước hết đội ngũ cán bộ công đoàn “phải đoàn kết nhất trí. Phải kiên quyết xây dựng cho được sự đoàn kết nhất trí trong các hệ thống công đoàn”. Trong nội bổ tổ chức công đoàn “phải thực hành dân chủ thực sự, đi đôi với tôn trọng lãnh đạo tập thể. Mỗi khi ra một chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sữa chữa”. Có thế, công đoàn “mới xây dựng được một đội ngũ công nhân có giác ngộ cao, có lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn, có tinh thần làm chủ tập thể, thực sự có trình độ văn hóa và khoa học, kỹ thuật”
“Công đoàn phải bảo vệ cho công nhân”. Muốn vậy, “cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu về quản lý kinh tế, khoa học kĩ thuật”; “phải tham gia lao động, gần gũi với công nhân, viên chức”, “phải thật sự dân chủ trong việc bầu cử các ban chấp hành Công đoàn, bầu những người đại diện thực sự cho họ”; “giai cấp công nhân có quyền bầu ra thì cũng có quyền bãi miễn họ”, “những phần tử nào biến chất, giáo dục không được, thì phải quyết đưa ra. Vì lợi ích của giai cấp, của cách mạng mà làm”.
Những quan điểm và lời dạy của Bác về công đoàn và cán bộ công đoàn kể từ lần cuối cùng Bác gặp các đồng chí lãnh đạo công đoàn vào tháng 7/1969, đến nay đã 50 năm. Tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã thay đổi sâu sắc, giai cấp công nhân đã có sự phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu thành phần và ngành nghề; chất lượng được nâng lên nhiều mặt, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị ngày càng cải thiện. Tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn không ngừng đổi mới, làm tốt chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; vẫn luôn ghi sâu những lời dạy ân tình của Bác: Muốn tổ chức và phát triển lực lượng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt.
Ngọc Tú