Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Giữa đại ngàn Attapeu (Lào), hay trang trại dâu quy mô lớn ở Hamyang (Hàn Quốc), lao động miền núi Đà Nẵng đang viết nên câu chuyện đổi đời khi ra nước ngoài làm việc.
Tìm tương lai nơi đất khách
Trên những cánh đồng của THACO AGRI hay Hoàng Anh Gia Lai tại Attapeu, lao động xuất phát từ Đà Nẵng được làm việc trong môi trường tiện nghi: Từ phòng ở, bếp ăn, nhà giữ trẻ, lớp văn hóa tới khu vui chơi thể thao...
Cô Bhnước Bang (Nam Giang) đang làm việc tại trại nuôi bò cho biết: “Công việc ổn định, được bao ăn ở, thu nhập gửi về gia đình mỗi tháng từ 13 triệu đến 15 triệu đồng. Chỉ ngại đi lại xa khi về thăm nhà”.
Theo ông Đoàn Bá Phi - Tổng Giám đốc Công ty Nam Lào (thuộc THACO AGRI), doanh nghiệp hiện sử dụng hơn 6.500 lao động và sẽ tăng lên 12.200 người vào cuối 2025. Trong đó, lao động Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng.
Tại xã La Dêê (Đà Nẵng), anh Tơ Ngôl Như đi làm vườn chuối tại Attapeu, mỗi tháng gửi về hơn 10 triệu đồng cho gia đình. Chính nguồn tiền gửi về đã giúp nhiều hộ như anh vươn lên thoát nghèo, xây nhà, làm kinh doanh nhỏ.
Còn tại huyện Nam Trà My cũ (nay chia thành 5 xã Nam Trà My, Trà Tập, Trà Vân, Trà Linh, Trà Leng, thuộc TP Đà Nẵng), hơn 200 lao động đã sang quận Hamyang (Hàn Quốc) làm việc thời vụ trong nông trại gieo trồng giống dâu, làm vườn ớt và phụ quán ăn...
Có nhiều người đi lại lần 2, 3 nhờ được chủ doanh nghiệp đánh giá cao, như các chị Hồ Thị Diệp, Nguyễn Thị Đợi và Hồ Thị Duyên…
Nhiều chính sách tiếp sức
Năm xã Nam Trà My, Trà Tập, Trà Vân, Trà Linh, Trà Leng đang là điểm sáng trong mô hình xuất khẩu lao động thời vụ tại Hàn Quốc. Mối quan hệ hợp tác giữa quận Hamyang và địa phương không chỉ là giao lưu văn hóa hay quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh, mà còn là cầu nối thực tiễn cho người lao động địa phương cải thiện cuộc sống.
Theo ông Jeong Dong Jin - người phụ trách tái định cư nông thôn quận Hamyang, lao động miền núi Đà Nẵng luôn nỗ lực, tuân thủ pháp luật và được các chủ doanh nghiệp tin tưởng bảo lãnh quay trở lại làm việc nhiều lần. Năm 2025, quận Hamyang dự kiến tiếp nhận khoảng 200 lao động đến từ 5 xã này - một con số đáng khích lệ cho địa bàn miền núi.
Năm 2024, tỉnh Quảng Nam (cũ) nay là TP Đà Nẵng đạt 1.714 lao động xuất khẩu (vượt 32% so với kế hoạch). Năm 2025, đặt mục tiêu 1.500 người, hiện đã đạt hơn 700 người đi các nước: Nhật, Hàn, Hy Lạp, Lào, A-rập Xê-út...
Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, xuất khẩu lao động đang trở thành chính sách lâu dài giúp giảm nghèo bền vững. Việc hợp tác với Hàn Quốc, Nhật, Đức, Đài Loan (Trung Quốc)... các chương trình EPS, IM Japan, điều dưỡng sang Đức... được triển khai rộng khắp.
Đặc biệt, ông Quý nhấn mạnh: “Trung ương và thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ban đầu cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm cho vay vốn ưu đãi tối đa lên đến 100 triệu đồng/người, hỗ trợ đào tạo nghề, ngôn ngữ và kỹ năng cơ bản. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để người lao động sớm thích nghi với môi trường lao động mới và tăng khả năng trụ vững nơi xứ người”.
Sở cũng ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Nagasaki (Nhật Bản) về nguồn nhân lực, từ chăn nuôi, y tế, nông nghiệp hữu cơ đến du lịch. Ông Ishida Tomohisa - Tổng Giám đốc Chính sách tỉnh Nagasaki - cho biết số lượng lao động Việt Nam tăng cao và Nagasaki luôn sẵn lòng hỗ trợ Đà Nẵng.
https://laodong.vn/viec-lam/nhieu-chinh-sach-ho-tro-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-1536121.ldo
Hoàng Bin (BÁO LAO ĐỘNG)