Ngày 25.12, trao đổi với PV Lao Động, ông Phan Tiến Hoàng, Trưởng Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, theo kế hoạch, ngày mai (26.12), các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ làm việc với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Theo ông Phan Tiến Hoàng, phía Việt Nam đề nghị cơ quan hữu quan Nhật Bản thu xếp cuộc họp, làm việc và được sự hợp tác nhanh chóng.
Về phía công ty phái cử - đơn vị đã nhận lương thay người lao động nhưng không trả cho người lao động – thời điểm này “trốn không nghe điện thoại”.
“Về nguyên tắc, khi công ty không trả lương được cho người lao động thì phải báo cáo với cơ quan chức năng để sử dụng chế độ trả nợ lương thay. Lao động Việt Nam đã nộp đơn đề nghị áp dụng chế độ trả nợ thay, cơ quan chức năng Nhật Bản đang điều tra đối với công ty đó (công ty phái cử - PV)”, ông Phan Tiến Hoàng thông tin.
Trước đó, ông Đặng Sỹ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho hay, nhóm khoảng 150 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo 2 nguồn: một nguồn đi từ Việt Nam không thông qua các doanh nghiệp phái cử; nguồn thứ hai là doanh nghiệp ở Nhật Bản tự tuyển dụng lao động tại Nhật Bản.
“Nhóm này đang bị nợ lương tháng 9 và tháng 10.2024. Cán bộ Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã xuống địa phương và hướng dẫn người lao động giải quyết theo trình tự”, ông Đặng Sỹ Dũng cho hay.
Theo ông Đặng Sỹ Dũng, trước mắt, Ban Quản lý lao động tại Nhật Bản đã hỗ trợ gạo cho người lao động để nấu ăn; đồng thời hỗ trợ các thủ tục để người lao động khiếu kiện đòi quyền lợi của mình. Hiện một nhóm lao động đã chuyển sang chủ sử dụng lao động mới, tháng 12 sẽ được lĩnh lương bình thường; nhóm còn lại đang tiếp tục khiếu nại khiếu kiện, Ban quản lý lao động tại Nhật Bản sẽ tiếp tục đồng hành để giải quyết.
https://laodong.vn/cong-doan/tiep-tuc-ho-tro-vu-150-lao-dong-bi-no-luong-tai-nhat-ban-1440664.ldo