Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam xác nhận nợ, người lao động tiếp tục khởi kiện đòi lương
Sau phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng nợ lương kéo dài tại Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam, lãnh đạo nhà trường đã có động thái tích cực, bước đầu xác nhận công nợ cho người lao động.
Trường CĐYT Quảng Nam xác nhận nợ lương y, bác sĩ, lên phương án đưa bệnh viện hoạt động trở lại. Ảnh: Hoàng Bin
Bước đầu xác nhận nợ, xây dựng phương án trả lương
Bệnh viện Đa khoa Trường CĐYT Quảng Nam (Bệnh viện) từng là nơi làm việc của hàng chục y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Tuy nhiên, Bệnh viện đã rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến việc nợ lương 22 người lao động (NLĐ), số tiền hơn 800 triệu đồng, từ tháng 4.2022 đến đầu năm 2023.
Sau đó, Bệnh viện tạm dừng hoạt động, NLĐ bị chấm dứt hợp đồng mà không nhận được khoản lương còn lại, gây ra nhiều bức xúc và khiếu nại kéo dài. Việc khởi kiện gặp bế tắc do không ai đứng ra xác nhận nợ.
Ngày 8.7, trao đổi với PV Lao Động, ông Bùi Long Ẩn - Hiệu trưởng Trường CĐYT Quảng Nam - xác nhận: “Sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo rà soát toàn bộ hồ sơ, chứng từ liên quan đến khoản nợ lương của NLĐ tại Bệnh viện. Đến nay, chúng tôi đã hoàn tất xác nhận công nợ cho một trường hợp và đang tiếp tục với các trường hợp còn lại”.
Theo ông Ẩn, việc xác nhận nợ gặp nhiều khó khăn do toàn bộ hồ sơ tài chính của bệnh viện không được bàn giao khi hiệu trưởng kiêm giám đốc bệnh viện tiền nhiệm bị khởi tố. “Dù đây là hệ quả từ sai phạm nhiệm kỳ trước, chúng tôi xác định đó là trách nhiệm phải xử lý. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng là điều cần thiết để khôi phục lại uy tín hơn 65 năm của nhà trường”, ông Ẩn nhấn mạnh.
Đáng chú ý, ông Phan Tấn Tiến - nguyên giảng viên kiêm cán bộ Khoa Y dược Bệnh viện - xác nhận với Lao Động rằng, ông đã được nhà trường ký giấy xác nhận nợ số tiền hơn 37 triệu đồng. Đây mới là khoản tiền nợ dạy vượt giờ bị chậm trả từ năm 2018 đến đầu năm 2021, còn khoản nợ lương ở bệnh viện vẫn đang chờ. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi tiếp tục thực hiện các bước khởi kiện đơn vị sử dụng lao động theo quy định”, ông Tiến nói.
Hiện tại, Trường CĐYT Quảng Nam đang xây dựng phương án khả thi để tái vận hành bệnh viện đa khoa trực thuộc - nơi đã tạm dừng hoạt động từ tháng 1.2023. Theo lãnh đạo nhà trường, bệnh viện vẫn còn giấy phép hoạt động và việc mở cửa trở lại hoàn toàn thuộc thẩm quyền của trường.
“Chúng tôi đang tính toán kỹ lưỡng về tài chính, nhân lực. Khi bệnh viện hoạt động trở lại, nguồn thu sẽ được sử dụng để trả nợ cho các đơn vị cung ứng thuốc và NLĐ. Chúng tôi sẽ mời tất cả những bên liên quan đến làm việc, thống nhất ký văn bản cam kết về lộ trình trả nợ”, ông Ẩn thông tin.
Song song đó, nhà trường cũng thành lập bộ phận kiểm tra, giám sát tài chính định kỳ mỗi quý, 6 tháng/lần để kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, tránh lặp lại tình trạng nợ đọng kéo dài như trước.
Người lao động kiên trì theo đuổi vụ kiện
Trong khi nhà trường từng bước xử lý trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động, thì những người từng bị nợ lương vẫn tiếp tục con đường pháp lý để đòi quyền lợi chính đáng.
Chị Nga (tên đã thay đổi), nguyên là điều dưỡng tại bệnh viện kể: “Tôi vẫn đi làm bình thường dù không có lương, chỉ mong được đóng bảo hiểm để hưởng chế độ thai sản. Nhưng đến sát ngày sinh mới biết bệnh viện không đóng BHYT. Tôi phải vay hơn 8 triệu đồng để sinh con mà không được bảo hiểm chi trả. Sau sinh, không có lương, tôi rơi vào cảnh kiệt quệ”.
Theo chị Nga, không chỉ riêng chị mà nhiều đồng nghiệp khác cũng sống trong tình cảnh tương tự. “Chúng tôi không thể im lặng mãi. Ai cũng có gia đình, có con cái phải lo. Vì vậy, tôi và nhiều người khác đã làm đơn kiện để buộc đơn vị sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm”, chị Nga chia sẻ.
Luật sư Nguyễn Thanh Tân - văn phòng Luật sư Tân Nguyễn, Đà Nẵng - nhận định: “Trong trường hợp này, NLĐ hoàn toàn có cơ sở khởi kiện. Theo Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ và đúng hạn tiền lương. Việc nợ lương nhiều tháng là hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Nếu NLĐ cung cấp được bằng chứng làm việc và có xác nhận nợ, khả năng thắng kiện là rất cao”.
Theo luật sư Tân, tòa án có thể buộc đơn vị sử dụng lao động trả đủ số tiền nợ, cộng thêm lãi suất chậm trả theo quy định. Nếu chứng minh được thiệt hại thực tế về sức khỏe, vật chất, NLĐ còn có thể yêu cầu bồi thường thêm.
“Đi kiện không phải để làm khó ai, mà để đòi lại những gì mình đã làm ra. Tôi tin rằng nếu nhà trường thực sự cầu thị, tôn trọng NLĐ thì mọi việc sẽ sớm được giải quyết thỏa đáng”, ông Phan Tấn Tiến nói.
https://laodong.vn/cong-doan/truong-cao-dang-y-te-quang-nam-xac-nhan-no-nguoi-lao-dong-tiep-tuc-khoi-kien-doi-luong-1537107.ldo
Hoàng Bin (BÁO LAO ĐỘNG)