Tham gia có đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải phân tích Sửa đổi Quy chế thi đua khen thưởng Công đoàn để thực hiện tốt luật thi đua khen thưởng, đồng thời thẩm thấu tinh thần của Luật Thi đua trong hoạt động thi đua khen thưởng Công đoàn.
Ở đây cần hiểu rõ một số vấn đề, trong đó mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ Công đoàn; thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ Công đoàn, đạt được thành tích tốt nhất, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”, theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN, để thúc đẩy phát triển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động Công đoàn trong tình hình mới, Quy chế thi đua khen thưởng Công đoàn sửa đổi cần thể hiện tốt 5 vấn đề, các cấp Công đoàn có trách nhiệm đồng tâm thay đổi. Một trong số đó là khen thưởng dành sự quan tâm đúng mức cho khen thưởng đặc biệt, đột xuất. Các cấp Công đoàn cần xác định cụ thể tiêu chí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quyết định để động viên kịp thời hành động Công đoàn trong thực tiễn cuộc sống vốn rất sinh động. Thi đua có phát phải trở thành động, kết quả đến đâu khen thưởng đến đó gắn với sơ tổng kết định kỳ.
Các ý kiến tham gia tập trung 5 nhóm vấn đề: Quy định xét tặng danh hiệu Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn; Quy định xét tặng Bằng khen của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn; Quy định xét tặng Bằng Lao động sáng tạo; các danh hiệu Chiến si thi đua, Lao động tiên tiến; tập thể lao động xuất sắc, tập thể lao động tiên tiến; về tuyến trình. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến vào nội dung sửa đổi Quyết định số 1063/QĐ-TLĐ ngày 12.6.2018 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về việc sắp xếp cụm, khối thi đua của Tổng Liên đoàn.
Đáng chú ý, hầu hết các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có mặt tại Hội thảo đều đề nghị tăng số lượng khen thưởng của tổ chức Công đoàn. Vì từ thực tế, so với số lượng đơn vị tại các địa phương thì số lượng Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn hàng năm hiện nay quá ít. Trong đó, ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An - cho biết, trong nhóm các kiến nghị của công nhân viên chức lao động tại Đại hội vừa qua, có đề nghị tăng số lượng khen thưởng của tổ chức Công đoàn. Nghệ An có 2.800 Công đoàn cơ sở mà mỗi năm chỉ được 4 Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn thì rất ít, trong khi mỗi năm cần tối thiểu cần 10 Cờ thi đua.
Đối với khen thưởng đột xuất, ông Nguyễn Thái Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình - cho biết khen thưởng đột xuất thì phải thể hiện được tính đột xuất, không đưa các tiêu chí giống như khen thưởng thường xuyên. Về khen thưởng đột xuất, ông Lê Đình Hùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội - đề nghị cũng cần nghiên cứu về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ sở để tăng tính chủ động và gắn tính trách nhiệm.