110 mỏ khoáng sản quý được phát hiện ở Tây Bắc
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã phát hiện và đánh giá tài nguyên 110 mỏ khoáng sản ở Tây Bắc.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường bàn giao kết quả Đề án cho 14 tỉnh Tây Bắc để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ngày 28.3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên đã chủ trì Lễ công bố kết quả Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội” (Đề án Tây Bắc).
Phát hiện nhiều mỏ khoáng sản quý hiếm
Theo Cổng thông tin Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tại lễ công bố, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tây Bắc. Đây là một trong những đề án điều tra địa chất cơ bản lớn nhất cả nước, có quy mô rộng, đối tượng đa dạng, thời gian thực hiện kéo dài gần 8 năm.
Kết thúc vào năm 2024, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành toàn bộ khối lượng được giao. Nổi bật là các đơn vị thực hiện Đề án đã lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.081 km²; thực hiện 498 lỗ khoan với tổng chiều sâu hơn 46.000 mét, trong đó 90% lỗ khoan gặp thân quặng – một tỉ lệ rất cao.
Theo ông Trần Bình Trọng, một thành tựu quan trọng của Đề án là đã phát hiện và đánh giá 110 mỏ khoáng sản, gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc-wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ - vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu.
Đề án cũng đã khoanh định 7 khu vực có triển vọng khoáng sản ẩn sâu, dự báo 15 diện tích phân bố đá magma có tiềm năng khoáng sản chiến lược; điều tra chi tiết 3 khu vực địa nhiệt ở Điện Biên, Lai Châu và Sơn La; phát hiện các di chỉ địa chất và cảnh quan địa mạo có giá trị.
Đặc biệt, Đề án đã hoàn thành bản đồ địa chất - khoáng sản tỷ lệ 1:250.000 toàn khu vực Bắc Bộ và tỉnh Nghệ An, thu thập 14 bộ mẫu vật điển hình và bàn giao cho các tỉnh sử dụng.
Đặc biệt, một kết quả có ý nghĩa chiến lược lâu dài là việc xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu địa chất và khoáng sản vùng Tây Bắc. Các dữ liệu bản đồ, kết quả điều tra, mẫu phân tích, thông tin mỏ và điểm quặng đã được số hóa, tích hợp thành một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, hiện đại. Hệ thống này cho phép tra cứu nhanh, chia sẻ linh hoạt và kết nối trực tuyến, hướng đến xây dựng nền địa chất số quốc gia.
Đề án Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng
Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá, Đề án Tây Bắc có ý nghĩa quan trọng, góp phần cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững khu vực Tây Bắc.
Sau 8 năm triển khai thực hiện, Đề án đã hoàn thành được khối lượng lớn công việc, nhiều mục tiêu vượt so với mục tiêu đề ra, đặc biệt, đã làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản, đánh giá tài nguyên 110 mỏ thuộc 25 loại khoáng sản quan trọng.
“Những kết quả đạt được của Đề án là sự nỗ lực bền bỉ, tâm huyết và trí tuệ của nhiều cá nhân và tập thể. Thành công của Đề án là thành quả của một hành trình đầy gian khổ, kiên trì và tâm huyết. Sau mỗi con dốc, mỗi đường rừng là mồ hôi, công sức và cả sự hy sinh thầm lặng của những người làm địa chất”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên hoan nghênh và ghi nhận.
Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Tây Bắc là khu vực có vị trí chiến lược về địa chính trị, kinh tế và môi trường, đồng thời cũng là nơi có tiềm năng khoáng sản phong phú. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng tài nguyên chưa thực sự hiệu quả, bền vững đang đặt ra những thách thức trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản nơi đây.
Do vậy, để phát huy tối đa kết quả điều tra, cũng như phát huy tiềm năng to lớn của tài nguyên khoáng sản, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị các địa phương cần sử dụng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản đã được bàn giao để phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và đảm bảo khai thác khoáng sản bền vững.
https://laodong.vn/xa-hoi/110-mo-khoang-san-quy-duoc-phat-hien-o-tay-bac-1483381.ldo
Huy Hùng (BÁO LAO ĐỘNG)