Thời sự
Cập nhật lúc 09:06 12/02/2025 (GMT+7)
2 thông tư hướng dẫn chi trả chế độ cho cán bộ khi tinh gọn

Hiện nay có 2 thông tư liên quan đến thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tinh gọn.

2 thông tư hướng dẫn chi trả chế độ cho cán bộ khi tinh gọn
Thông tư 01/2025 và Thông tư 07/2025 có hiệu lực trong tháng 1.2025 liên quan đến thực hiện Nghị định 178/2024 về chế độ, chính sách khi thực hiện tinh gọn bộ máy. Ảnh minh họa: Phạm Đông

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31.12.2024 quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, Chính phủ nêu trách nhiệm của Bộ Nội vụ gồm: Hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ quy định tại Nghị định này.

Kiểm tra việc thực hiện các quy định về giải quyết chính sách, chế độ tại các bộ, ngành, địa phương.

Phối hợp với cơ quan chức năng chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ quan liên quan giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng được hưởng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Sau đó, Bộ Nội vụ đã có Thông tư 01/2025/TT-BNV ngày 17.1.2025 hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Chính phủ cũng nêu rõ trong Nghị định 178/2024 là: Hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Nghị định này.

Bố trí kinh phí để thực hiện chính sách, chế độ, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội tính toán khoản kinh phí ngân sách nhà nước phải bảo đảm tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất quy định tại khoản 4 Điều 16 Nghị định này.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 07/2025/TT-BTC ngày 24.1.2025 hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Trong đó, cơ quan, đơn vị sử dụng nguồn dự toán ngân sách chi thường xuyên được giao hàng năm để chi trả:

Kinh phí bảo lưu mức lương chức vụ cũ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn do sắp xếp tổ chức bộ máy;

Kinh phí tiếp tục trả nguyên tiền lương hiện hưởng (bao gồm cả các khoản phụ cấp lương) theo vị trí việc làm trước khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị cử đi tăng cường đi công tác ở cơ sở;

Chính sách nâng bậc lương; Chi tiền thưởng cho các đối tượng.

Cũng theo Thông tư này, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách, chế độ còn lại (ngoài các chế độ nêu trên) tại Điều 7, Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 12, Điều 15 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP.

Theo đó, đối với đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương thì ngân sách trung ương đảm bảo.

Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động thuộc, trực thuộc các đơn vị do địa phương quản lý, kinh phí thực hiện chế độ, chính sách được tổng hợp vào nhu cầu cải cách tiền lương của địa phương.

https://laodong.vn/thoi-su/2-thong-tu-huong-dan-chi-tra-che-do-cho-can-bo-khi-tinh-gon-1461748.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: