Thời sự
Cập nhật lúc 09:56 14/04/2025 (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình 2 Nghị định quan trọng liên quan chính quyền hai cấp

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Bộ sẽ trình Chính phủ 2 Nghị định về môi trường, đất đai để thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình 2 Nghị định quan trọng liên quan chính quyền hai cấp
Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ trình Chính phủ 2 Nghị định về chính quyền hai cấp. Ảnh: Việt Bắc

Tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản cao nhất trong 4 năm qua

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), trong Quý 1 năm 2025, chỉ tiêu tăng trưởng và xuất nhập khẩu của ngành cơ bản đạt mục tiêu đề ra, cụ thể: tăng trưởng nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2025 đạt 3,74%, là mức tăng cao nhất trong quý I của 4 năm gần nhất; Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 15,72 tỉ USD (tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024).

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 8,53 tỉ USD (tăng 12,2%); giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD (tăng 18,5%); giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỉ USD (tăng 18,1%); xuất khẩu lâm sản đạt 4,21 tỉ USD (tăng 11,2%); giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất đạt 549,5 triệu USD (tăng 19,6%).

Tính đến ngày 11.4.2025, tổng số văn bản kiến nghị, đề xuất của các địa phương gửi đến Bộ là 250 văn bản, trong đó, các đơn vị trực thuộc tham mưu, xử lý 84 văn bản (đạt tỷ lệ 33,60%), đang xử lý 166 văn bản (trong đó có 140 văn bản chậm xử lý, chiếm tỷ lệ 30,15%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai).

Trình Chính phủ 2 Nghị định liên quan đến chính quyền hai cấp

Trong tháng 4 và quý II năm 2025, Bộ NN&MT cho biết sẽ rà soát, đề xuất phương án xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hoàn thành trước ngày 30.6.2025, trong đó Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, bảo đảm điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025) theo trình tự, thủ tục rút gọn (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.1.2026).

Tập trung xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành 03 Nghị định, trong đó có 2 Nghị định liên quan đến việc thực hiện chính quyền hai cấp là Nghị định quy định chi tiết một số nội dung quản lý nhà nước liên quan đến sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực đất đai; Nghị định quy định chi tiết một số nội dung quản lý nhà nước liên quan đến sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Cũng theo Bộ này, Bộ sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, bảo đảm hoàn thành trong tháng 6.2025; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn trong tháng 6.2025.

Triển khai điều tra tai biến địa chất ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, động đất; địa chất công trình ở các đô thị cho phát triển công trình ngầm và tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản là kim loại, đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn, ứng dụng trong lắp ráp các thiết bị, phương tiện thân thiện với môi trường đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông trọng điểm phía Nam.

Hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình hình ô nhiễm không khí

Bên cạnh đó, Bộ tập trung hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình hình ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn giai đoạn 2025 - 2030, trình Thủ tướng Chính phủ trước 28.4.2025.

Tiếp tục xử lý các vấn đề nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, như: tồn dư chất cadimi trong sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, EU... mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc, Châu Phi... Theo dõi diễn biến của việc áp thuế của Hoa Kỳ, thúc đẩy đàm phán với Hoa Kỳ cũng như áp dụng các giải pháp tích cực để giảm thiểu tác động bất lợi cho doanh nghiệp và nông dân.

https://laodong.vn/xa-hoi/bo-nong-nghiep-va-moi-truong-trinh-2-nghi-dinh-quan-trong-lien-quan-chinh-quyen-hai-cap-1491028.ldo

Nguyễn Hà (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: