Thời sự
Cập nhật lúc 12:50 22/02/2025 (GMT+7)
Các huyện, xã không bắt buộc sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030

Có một số trường hợp địa phương không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2026 - 2030.

Các huyện, xã không bắt buộc sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030
Việc sắp xếp các huyện xã còn cần căn cứ vào các yếu tố khác truyền thống văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán. Ảnh: Hanam.gov.vn

Trường hợp không bắt buộc sắp xếp

Như Lao Động phản ánh, sau khi hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Nội vụ mới đây cho hay sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất phương án sáp nhập đối với những ĐVHC chưa đủ tiêu chí về diện tích, dân số theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 (Nghị quyết 35) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chủ động phương án việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2026 - 2030.

Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quy định rất rõ trường hợp các huyện xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030.

Trong đó có các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của ĐVHC tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Tuy nhiên Nghị quyết 35 cũng quy định các trường hợp địa phương không bắt buộc sắp xếp ĐVHC trong giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Các trường hợp này gồm:

Một là, ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp: Có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các ĐVHC liền kề; Có địa giới ĐVHC đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào;

Có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với ĐVHC liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

ĐVHC nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành ĐVHC đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của ĐVHC đô thị.

Hai là, trong giai đoạn 2023 - 2025, không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021.

Ba là, trong giai đoạn 2026 - 2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025.

Đối với 3 trường hợp trên, nếu địa phương thấy cần thực hiện sắp xếp để tổ chức hợp lý ĐVHC cấp huyện, cấp xã thì UBND cấp tỉnh báo cáo tại phương án tổng thể và đề án sắp xếp ĐVHC của địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng cần xem xét các yếu tố đặc thù khác ngoài tiêu chí về dân số và diện tích khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Ảnh: Hương Nha
Ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng cần xem xét các yếu tố đặc thù khác ngoài tiêu chí về dân số và diện tích khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính. Ảnh: Hương Nha

Nghiên cứu điểm tương đồng để sáp nhập

Chia sẻ với PV Lao Động về tiêu chí để sáp nhập các huyện, xã, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định, trước hết phải lấy tiêu chí, tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của huyện xã đó căn cứ theo các quy định hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có các nghị quyết về tiêu chí khi xem xét, sắp xếp các ĐVHC rất kỹ lưỡng là Nghị quyết 1221/2016 và Nghị quyết 35/2023.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xem xét tới các yếu tố khác như truyền thống văn hóa, lịch sử, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán.

Thực tế tại Báo cáo 8677/BC-BNV về tình hình và kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, Bộ Nội vụ cũng nêu một số tồn tại và hạn chế trong việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã thời gian qua.

Trong đó một số trường hợp sắp xếp ĐVHC nông thôn vào đô thị còn vướng mắc về quy hoạch, về rà soát, đánh giá tiêu chí đô thị theo quy định nên phải đưa ra khỏi hồ sơ Đề án chung của địa phương như các tỉnh Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Bình Thuận, Bình Định.

Một số địa phương còn chưa quyết liệt trong quá trình thực hiện, chưa gửi đúng tiến độ hồ sơ đề án theo yêu cầu, kế hoạch đã đề ra. Một số địa phương đã xây dựng phương án tổng thể nhưng sau đó để lại số lượng khá lớn chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

https://laodong.vn/thoi-su/cac-huyen-xa-khong-bat-buoc-sap-xep-giai-doan-2026-2030-1466507.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: