Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội, TPHCM ngay tháng tới
Phó Thủ tướng yêu cầu đánh giá toàn diện bức tranh về ô nhiễm không khí theo tiêu chuẩn quốc tế trên phạm vi cả nước, nhất là Hà Nội và TPHCM.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu đánh giá toàn diện bức tranh về ô nhiễm không khí theo tiêu chuẩn quốc tế trên phạm vi cả nước. Ảnh: VGP
Ngày 27.3, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM - hai đô thị lớn và đang bị ô nhiễm không khí nặng nhất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành đề xuất tổ chức giám sát các công trình xây dựng (xây dựng khu đô thị; khu nhà cao tầng; công trình giao thông; công trình công cộng, công ích; công trình cải tạo mặt đường, vỉa hè), bắt buộc che chắn bụi, phun nước giảm bụi.
Quy hoạch tuyến đường cho xe tải, kiểm soát xe cũ, tăng cường giao thông công cộng. Giám sát tự động khí thải từ các nhà máy, xử lý nghiêm vi phạm.
Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: VGP
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đã có luật, nhưng nếu không có hành động cụ thể và quyết liệt thì tình hình sẽ không thể thay đổi.
Đặc biệt, khi các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các lãnh đạo địa phương, phải được xác định rõ ràng và hành động kịp thời.
"Chúng ta không có nhiều thời gian để tiếp tục bàn luận, mà phải hành động ngay từ bây giờ, nhằm cải thiện các chỉ tiêu chất lượng không khí ngay trong tháng tới, quý tới, cuối năm để bảo vệ sức khỏe người dân", Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn, tại một số thời điểm đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
Trước hết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá toàn diện bức tranh về ô nhiễm không khí theo tiêu chuẩn quốc tế trên phạm vi cả nước cũng như ở từng đô thị, từng thành phố, nhất là Hà Nội và TPHCM.
Trong đó chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm không khí (giao thông, xây dựng, xử lý rác thải, hoạt động công nghiệp, nông nghiệp); phân tích sâu sắc mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khỏe để người dân nhận thức đúng, ủng hộ và cùng tham gia thực hiện.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về xử lý, tái chế phế thải xây dựng và cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xử lý phế thải xây dựng (thuế, lãi suất, đất đai…).
Rà soát điều kiện, cơ sở pháp lý triển khai kiểm định khí thải xe máy, chế tài xử lý phương tiện không đạt chuẩn, hỗ trợ chủ xe lắp đặt thiết bị giảm khí thải; siết chặt hoạt động giám sát hoạt động của các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, nhất là ở đô thị, bằng camera với các phương tiện ra vào công trường.
Nâng cao chế tài xử phạt đối với các đơn vị thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại không đúng quy định, phát tán ô nhiễm ra không khí, trường hợp cần thiết phải xử lý hình sự.
Bộ Công Thương phối hợp với địa phương rà soát, đánh giá các nguồn gây ô nhiễm không khí từ sản xuất công nghiệp, nhất là tại các cụm công nghiệp trên cả nước; đề xuất phương án di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu vực nội thành, hoặc chuyển đổi công nghệ và có chính sách hỗ trợ.
Bộ Công an tập trung tập trung xử lý các vi phạm nghiêm trọng về xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại gây ô nhiễm không khí.
Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương phối hợp quản lý trật tự an toàn giao thông hợp lý, bổ sung thẩm quyền cho lực lượng cảnh sát giao thông, công an cơ sở giám sát, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực giao thông, xây dựng gây ô nhiễm không khí.
https://laodong.vn/thoi-su/cai-thien-chat-luong-khong-khi-ha-noi-tphcm-ngay-thang-toi-1482831.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)