Cấp tỉnh chỉ định các chức danh chủ chốt ở cấp xã mới
Thanh Hóa – Thường trực HĐND tỉnh sẽ chỉ định các chức danh chủ chốt của HĐND cấp xã mới, còn Chủ tịch UBND tỉnh chỉ định Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND.
Ngày 23.5, thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ban hành Đề án tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp và phương hướng bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập đơn vị hành chính cấp xã (ĐVHC cấp xã) mới.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Đề án về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp sau khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập đơn vị hành chính cấp xã mới. Ảnh: Quách Du
Theo đó, tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo ở ĐVHC cấp xã mới được thực hiện căn cứ theo kết luận, đề án và quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Đặc biệt, đề án nêu rõ phương hướng bố trí cán bộ lãnh đạo của HĐND và UBND cấp xã mới theo hướng kiêm nhiệm và chuyên trách nhằm tinh giản đầu mối và nâng cao hiệu quả điều hành.
Chủ tịch HĐND và Trưởng ban HĐND cấp xã mới sẽ được bố trí kiêm nhiệm, trong khi Phó Chủ tịch HĐND và Phó Trưởng các ban sẽ bố trí chuyên trách theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương.
Về UBND cấp xã mới, Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch UBND được bố trí chuyên trách. Trong đó, một Phó Chủ tịch kiêm Chánh Văn phòng HĐND và UBND; một Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Bốn cơ quan chuyên môn của UBND cấp xã mới gồm: Văn phòng HĐND và UBND, Trung tâm Hành chính công, Phòng Kinh tế (hoặc Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị đối với phường) và Phòng Văn hóa – Xã hội. Mỗi cơ quan có một trưởng và một phó phụ trách.
Đề án cũng xác định thẩm quyền bố trí cán bộ theo hướng chỉ định nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp và khai thác tối đa nguồn nhân lực. Theo đó, Thường trực HĐND tỉnh sẽ chỉ định các chức danh chủ chốt của HĐND cấp xã mới, còn Chủ tịch UBND tỉnh chỉ định Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và ủy viên UBND.
Đối với việc bố trí lại đội ngũ công chức sau sáp nhập, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền điều động công chức từ cấp huyện xuống cấp xã, hoặc giữa các xã cũ với nhau, bảo đảm phân bổ hợp lý, hoàn tất trước ngày 15.6.2025. Từ ngày 1.7.2025, đội ngũ công chức cấp xã cũ sẽ chính thức chuyển sang công chức thuộc UBND xã mới.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong đề án là phương hướng giải quyết tình trạng dôi dư cán bộ sau sáp nhập. Dự kiến toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ dôi dư khoảng 3.602 người. UBND tỉnh đưa ra nhiều giải pháp như: nghỉ hưu đúng tuổi hoặc trước tuổi; tinh giản biên chế; vận động nghỉ công tác với các trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn; đưa ra khỏi bộ máy các trường hợp vi phạm nghiêm trọng; đồng thời xem xét bố trí lại làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp còn thiếu biên chế và phù hợp về chuyên môn.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền cấp xã tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh mới sau sắp xếp các đơn vị hành chính.
https://laodong.vn/thoi-su/cap-tinh-chi-dinh-cac-chuc-danh-chu-chot-o-cap-xa-moi-1511390.ldo
QUÁCH DU (báo lao động)