Có thể tính toán đến tuổi nghỉ hưu cứng và tuổi nghỉ hưu mềm
Trước đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu với lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, nhiều ý kiến cho rằng có thể tính toán đến "tuổi nghỉ hưu cứng" và "tuổi nghỉ hưu mềm".
Bộ Nội vụ đề xuất tham khảo kéo dài tuổi nghỉ hưu của công chức đến 70 tuổi ở một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn. Ảnh minh họa: Hương Nha
Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và gửi xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Dự thảo Luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.
Theo Bộ Nội vụ, các quốc gia hầu hết quy định tuổi nghỉ hưu 60-65 tuổi nhưng đối với một số lĩnh vực kỹ thuật, chuyên môn cao, cố vấn, chuyên gia có thể kéo dài đến 75 tuổi. Các quốc gia cũng quy định chế độ nghỉ hưu sớm khi công chức đã đảm bảo số năm công tác, có nhu cầu nghỉ sớm để kinh doanh, chăm sóc bố mẹ già, con cái.
Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trong việc quy định về nghỉ hưu trước tuổi và đối với một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 70 tuổi.
Trao đổi với Lao Động, GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế Quốc dân - nhận định, khi đối mặt với già hóa dân số, các quốc gia đều tận dụng nguồn lực từ người nghỉ hưu có trình độ cao, có kinh nghiệm, hàm lượng chất xám cao đóng góp cho nền kinh tế.
Ông nêu thực tế, nhiều giảng viên ở Đại học Kinh tế Quốc dân đã 68-70 tuổi vẫn làm việc, nghiên cứu khoa học. Bởi, việc này khiến họ cảm thấy thoải mái, đủ sức khỏe, được tận hưởng môi trường làm việc linh hoạt, không phân biệt tuổi tác và nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp.
Nhiều ngành như giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật đòi hỏi quá trình làm việc, nghiên cứu, tích tụ kiến thức, tay nghề và học tập suốt đời. Ngoài ra nhiều người lao động mong muốn đi làm, cống hiến cho xã hội, giảm bớt vấn đề trầm cảm, xa cách xã hội…
"Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, phân tích cụ thể các yếu tố như sức khỏe, nghề nghiệp, vị trí, môi trường làm việc khi xây dựng luật. Người cao tuổi đi làm cũng phải được đánh giá lao động công bằng, đảm bảo năng suất lao động..." - ông Giang Thanh Long nói.
Theo ông Giang Thanh Long, có thể tính toán đến “tuổi nghỉ hưu cứng” và “tuổi nghỉ hưu mềm”. Người về hưu có thể tiếp tục đi làm nếu đủ sức khỏe, tâm lý, tinh thần tự nguyện và có thể nghỉ bất cứ lúc nào theo nguyện vọng cá nhân.
Ví dụ, bác sĩ đầu ngành về mắt đi làm sau khi đủ "tuổi nghỉ hưu cứng" thì những năm "tuổi nghỉ hưu mềm" phải được tính chế độ hưu trí cao hơn cho những năm làm việc để khuyến khích họ cống hiến.
Cùng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII - cho rằng, những người có trí tuệ, được đào tạo bài bản, có khả năng đóng góp thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của họ sẽ có lợi cho xã hội.
Bà Bùi Thị An đề xuất cần có sự tính toán tuổi nghỉ hưu theo đối tượng, ngành nghề. Tùy điều kiện lao động khác nhau mà có mức tuổi nghỉ hưu khác nhau, không thể cào bằng.
Theo Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Bộ luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
https://laodong.vn/thoi-su/co-the-tinh-toan-den-tuoi-nghi-huu-cung-va-tuoi-nghi-huu-mem-1491946.ldo
HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)