Công nghiệp xanh là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững
Để đạt mục tiêu tăng trưởng cao mà không đánh đổi môi trường, Việt Nam đang thúc đẩy chiến lược công nghiệp xanh, hài hòa giữa hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững.
Chuyển đổi xanh trong công nghiệp là yêu cầu tất yếu của quốc tế và Việt Nam. Ảnh: Xuyên Đông
Công nghiệp phát triển mạnh nhưng đối mặt thách thức môi trường
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam trở thành điểm sáng tăng trưởng kinh tế trong khu vực, với ngành công nghiệp giữ vai trò trung tâm. Giai đoạn 2011-2020, công nghiệp tăng trưởng cao nhất, đóng góp gần 30% GDP và dẫn đầu xuất khẩu. Đến năm 2019, Việt Nam xếp thứ 22 toàn cầu về xuất khẩu, tăng mạnh so với vị trí 50 năm 2010. Giai đoạn 2021-2024, dù đối mặt nhiều thách thức, ngành công nghiệp vẫn đóng góp hơn 31% GDP và tăng 16 bậc năng lực cạnh tranh toàn cầu, xếp hạng 42 theo UNIDO.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ này cũng mang theo không ít hệ lụy. Các ngành công nghiệp truyền thống như khai khoáng, luyện kim và ximăng gây ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi năng lượng hóa thạch chiếm tới 75% tổng năng lượng tiêu thụ. Ngành chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng chính lại phụ thuộc nặng vào doanh nghiệp FDI, chiếm đến 70% giá trị xuất khẩu, với giá trị gia tăng nội địa thấp do công nghiệp hỗ trợ yếu và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Trong khi đó, thế giới đang chuyển dịch mạnh sang các mô hình kinh tế xanh, với những tiêu chuẩn khắt khe như CBAM của Liên minh châu Âu, quy định ESG trong chuỗi cung ứng hay cam kết Net Zero năm 2050.
Hướng tới giải pháp phát triển bền vững
Trước các thách thức toàn cầu, tư duy phát triển công nghiệp Việt Nam đang dần thay đổi theo hướng hài hòa giữa tăng trưởng và bền vững.
Tại Diễn đàn “Công nghiệp xanh: Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức, TS Chử Văn Lâm - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam - nhấn mạnh: “Lời giải không ở sự đánh đổi, mà ở cách chúng ta nhìn nhận lại để thiết kế chiến lược công nghiệp một cách hài hòa nhất.”
Việt Nam đã xác định công nghiệp là động lực chính trong mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 và hướng tới hai con số trong các năm tiếp theo. Song song, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách chủ chốt để thúc đẩy công nghiệp hóa gắn với phát triển xanh, nổi bật là Nghị quyết số 29-NQ/TW về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2045 và chương trình “Make in Vietnam 2045” nhằm tăng cường tự chủ về nguyên liệu, công nghệ và sản xuất.
Các mục tiêu xanh cụ thể cũng được đẩy mạnh: Tăng công suất điện mặt trời lên 73GW và điện gió lên 38GW vào năm 2030, hiện đại hóa lưới điện, triển khai 18 dự án thủy điện tích năng; giảm 30% khí mêtan trong nông nghiệp vào năm 2030 so với 2020; thúc đẩy sử dụng xe điện và giao thông công cộng; chuẩn bị vận hành thị trường carbon vào năm 2028.
Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW và 68-NQ/TW đưa ra các định hướng chiến lược về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tư nhân và thúc đẩy mô hình công nghiệp xanh. Tín dụng xanh, chuyển giao công nghệ sạch, đào tạo nhân lực chất lượng cao và cơ chế một cửa trong thu hút đầu tư đang là các công cụ then chốt để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.
Theo TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), muốn công nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam cần vượt qua 4 điểm nghẽn chính: Hạ tầng, nhân lực, thể chế và công nghệ. Đồng thời, phải xác định rõ trọng tâm chính sách công nghiệp, tạo sức bật cho công nghiệp hỗ trợ trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác.
TS Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia Kinh tế trưởng ADB Việt Nam - tăng trưởng xanh là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Mô hình tăng trưởng xanh đòi hỏi phải tách rời tăng trưởng kinh tế với suy thoái môi trường một bài toán đòi hỏi sự phối hợp chính sách đồng bộ và đổi mới tư duy chiến lược.
TS Bùi Thanh Minh - Phó Giám đốc Văn phòng Ban IV - cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn “song hành” giữa hiệu quả và đổi mới - giai đoạn 2 và 3 của mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, tốc độ chuyển đổi còn chậm do tồn tại nhiều điểm nghẽn về hạ tầng, thể chế, công nghệ và nhân lực.
Đã đến lúc công nghiệp Việt Nam không chỉ là “công xưởng gia công” mà phải trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, đáp ứng cả yêu cầu tăng trưởng nhanh lẫn mục tiêu phát triển bền vững. Chuyển đổi sang công nghiệp xanh không còn là lựa chọn, mà là con đường duy nhất để Việt Nam giữ vững vị thế trong kỷ nguyên kinh tế xanh toàn cầu.
https://laodong.vn/kinh-doanh/cong-nghiep-xanh-la-chia-khoa-cho-tang-truong-ben-vung-1538417.ldo
Xuyên Đông (BÁO LAO ĐỘNG)