Đại học Tôn Đức Thắng tiên phong phát triển công nghiệp bán dẫn
Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức diễn đàn về chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Ngày 15.1.2025, diễn đàn đã thu hút và quy tụ nhiều đại biểu, khách mời và diễn giả là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, vi điện tử trong và ngoài nước; Lãnh đạo doanh nghiệp từ Mỹ, Đài Loan, Singapore, cùng các viện nghiên cứu và cơ quan chính phủ.
TS.Trần Trọng Đạo – Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ: “Tôi hy vọng rằng diễn đàn này sẽ trở thành một hoạt động thường niên để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn, cũng như góp phần đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu."
Thông qua sự kiện này, nhà trường mong muốn tạo điều kiện kết nối giữa các cơ quan chính phủ, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, tập đoàn và tổ chức từ Việt Nam, Đài Loan cũng như cộng đồng quốc tế trong ngành công nghiệp bán dẫn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Hai chủ đề chính là Tổng quan về ngành công nghiệp bán dẫn, vi điện tử, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và AI và Thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn vững mạnh. Các diễn giả tham gia diễn đàn đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, cập nhật sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, các xu hướng mới trong thiết kế và sản xuất chip, cũng như tác động của bán dẫn đối với các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), và tự động hóa.
Diễn đàn cũng thảo luận các giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là ở Việt Nam. Các diễn giả là những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, đến từ các công ty hàng đầu, các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn.
Các chuyên gia đã đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong ngành bán dẫn và vi điện tử, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của ngành công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
Việc xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu và hợp tác quốc tế sẽ là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này trong nước, đồng thời tìm kiếm những phương thức hợp tác hiệu quả để tăng cường vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
https://laodong.vn/giao-duc/dai-hoc-ton-duc-thang-tien-phong-phat-trien-cong-nghiep-ban-dan-1450596.ldo
Phương Anh (BÁO LAO ĐỘNG)