Thời sự
Cập nhật lúc 05:04 23/05/2025 (GMT+7)
Dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng, không có chuyện cấm

Vấn đề quản lý dạy thêm, học thêm đang được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 23.5, Quốc hội thảo luận tổ về các vấn đề, như tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024...

Phát biểu ý kiến, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các báo cáo, đánh giá trên. Đồng thời, nhiều đại biểu tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến, trong đó có vấn đề về quản lý dạy thêm, học thêm đang được dư luận quan tâm thời gian qua.

Đánh giá về Thông tư số 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, sau một thời gian triển khai, quy định trong Thông tư đã tác động tích cực tới nhận thức, hành động của các cấp quản lí, giáo viên, học sinh, phụ huynh.

Trong đó, đại biểu nhấn mạnh đến một số điểm tích cực đạt được, như việc đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên đã nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của dạy học chính khóa, trách nhiệm trong việc hỗ trợ học sinh nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Chính quyền các cấp đã nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn...

Các sở, ngành, đơn vị phối hợp của địa phương cũng đã có các hướng dẫn để thực hiện các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường, từng bước đưa các hoạt động này đi vào quy củ, nền nếp, đúng pháp luật và tránh lãng phí.

Mặt khác, cha mẹ học sinh nhìn nhận rõ vai trò của gia đình trong việc phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, không thể phó thác cho nhà trường.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề cần phải tiếp tục xem xét.

sss
Đại biểu Nguyễn Thị Hà phát biểu đóng góp ý kiến. Ảnh: Tô Thế

Theo đại biểu, qua nắm bắt phản ánh từ dư luận và báo chí thì nhu cầu học thêm chưa hoặc giảm rất thấp, bởi cha mẹ lo lắng về sự lơ là, không chủ động trong việc học của con, thậm chí là không có ai quản lý khi không có người lớn ở nhà. Đồng thời có sự tăng vọt về số lượng các trung tâm dạy thêm.

"Theo tôi, sự nở rộ của các trung tâm dạy thêm xét ở một góc độ nào đó là tất yếu, nhất là khi nhu cầu học thêm của học sinh, phụ huynh rất cao. Việc học thêm để nâng cao kiến thức, nâng cao điểm số là nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ra sao, cách quản lý, vận hành trung tâm và cả điều kiện dạy và học có đúng theo quy định hay không là điều đáng bàn", đại biểu Nguyễn Thị Hà nói.

Đại biểu cũng cho rằng, nhiều phụ huynh đang lo lắng việc không được học thêm trong trường sẽ khiến con cái không được hỗ trợ kịp thời, ảnh hưởng đến kết quả học tập (quy định hiện tại chỉ có 3 nhóm học sinh được học thêm trong trường).

Đồng thời phụ huynh bày tỏ gặp khó khăn trong quản lý thời gian của con khi con không đến trường, gia đình lại thiếu người quản lí có thể dẫn đến việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức hoặc tham gia vào các hoạt động không lành mạnh trong thời gian rảnh rỗi. Việc chuyển sang học thêm tại các trung tâm bên ngoài trường có thể làm tăng chi phí và gây bất tiện trong việc đưa đón con.

Chính vì vậy, đại biểu đề xuất nghiên cứu điều chỉnh quy định về tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường khi phụ huynh, học sinh có nhu cầu và được thu phí. Tuy nhiên, cần quản lí chặt chẽ, đảm bảo việc tham gia học là tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh, học sinh.

Mặt khác, các nhà trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy trong giờ học chính khóa để giảm nhu cầu học thêm.

sss
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân phát biểu ý kiến về quy định dạy thêm, học thêm. Ảnh: Tô Thế

Còn Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đắk Lắk (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) nhận định, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thực, hoàn toàn chính đáng của xã hội, của học sinh, phụ huynh.

Một số ý kiến băn khoăn cho rằng Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Xuân khẳng định, Thông tư không cấm mà chỉ tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm cho đúng quy định của pháp luật.

Cũng theo đại biểu, trước việc thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự điều chỉnh, thay đổi các nội dung về công tác quản lý của các cấp trong dạy thêm, học thêm.

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được tăng cường để xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động này.

https://laodong.vn/thoi-su/day-them-hoc-them-la-nhu-cau-chinh-dang-khong-co-chuyen-cam-1511520.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: