Thời sự
Cập nhật lúc 03:26 26/03/2025 (GMT+7)
Đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế chậm hơn với bia, rượu

Một số đại biểu đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chậm hơn đối với bia, rượu để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội giao.

Đề nghị thực hiện lộ trình tăng thuế chậm hơn với bia, rượu
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) phát biểu. Ảnh: Hồ Long.

Sáng 26.3, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Báo cáo một số nội dung cơ bản trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, về thuế suất với rượu, bia, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục áp dụng thuế suất 65% đối với bia trong khoảng 2 năm và tăng thuế từ năm 2027 hoặc năm 2028 bắt đầu lên 70%, lộ trình tăng 5%/năm.

Có ý kiến đề nghị thống nhất một mức thuế đối với rượu, không chia theo nồng độ cồn và cũng áp thuế suất như đối với bia.

Luật hiện hành đã quy định mức thuế suất cao đối với bia nhằm định hướng, điều tiết sản xuất, hạn chế tiêu dùng, giảm tác hại đối với sức khỏe cộng đồng và nhiều hệ lụy đối với kinh tế - xã hội.

Do đó, để tác động mạnh mẽ đến việc giảm tiêu dùng, khắc phục việc lạm dụng rượu, bia, dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia như phương án 2.

Dù vậy, các đại biểu Quốc hội đang có nhiều ý kiến khác nhau về thuế suất, mức thuế, lộ trình đối với các sản phẩm này.

Một số ý kiến của các hiệp hội sản xuất và doanh nghiệp cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB với thuốc lá, rượu, bia như phương án 2 sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh các hàng hóa này cũng như các ngành phụ trợ, du lịch và vùng nguyên liệu, theo đó có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP đã đề ra.

Do đó, đề nghị cân nhắc có thể quy định theo phương án 1 với lộ trình tăng thuế chậm hơn để tránh gây khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội quyết định.

Phiên thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long.
Phiên thảo luận dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Phát biểu về nội dụng này, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, việc tăng thuế TTĐB lần này nên cân nhắc đến bối cảnh khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất đồ uống khi trải qua đại dịch COVID-19, ảnh hưởng tiêu cực khác nên bị sụt giảm lượng lớn về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, giảm mức đóng thuế cho các địa phương.

Đại biểu Thắng cũng cho rằng theo đề xuất của Chính phủ về các phương án đề xuất tăng thuế đều dẫn đến giá tăng cao, người tiêu dùng có thể tìm đến các sản phẩm rẻ hơn, sản xuất thủ công, buôn lậu. Do đó, có thể gây thất thu thuế, gia tăng rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng.

Việc tăng thuế cũng có thể gây ảnh hưởng đến vấn đề việc làm, nhiều vấn đề khác... Do vậy, để hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, đại biểu Thắng đề nghị thực hiện theo phương án 1 với lộ trình tăng thuế TTĐB chậm hơn với bia, rượu.

Việc này để tạo điều kiện để doanh nghiệp và thị trường có thời gian thích nghi, hướng tới mục đích hài hòa và an sinh xã hội.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, bày tỏ quan tâm là cách đánh thuế thế nào để có thể mang lại hiệu quả, giảm tiêu dùng.

Đại biểu Cường nói thêm, có nhiều đại biểu nói về vấn đề thuế bia. Theo đó, thuế bia cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng dịch vụ và nếu tiêu dùng dịch vụ giảm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập quốc dân.

“Hiện nay, chúng ta đang áp dụng chính sách khuyến khích tiêu dùng dịch vụ bằng việc giảm thuế VAT trong năm 2025. Vậy đến năm 2026 mà chúng ta tăng thuế bia lên thì đi ngược lại với chủ trương giảm thuế VAT" - đại biểu Cường nói và cho rằng, đồng ý việc tăng thuế bia nhưng thời gian áp dụng bắt đầu là năm 2027 thay vì 2026.

https://laodong.vn/kinh-doanh/de-nghi-thuc-hien-lo-trinh-tang-thue-cham-hon-voi-bia-ruou-1482329.ldo

CAO NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: