Định hướng sử dụng đất nông nghiệp, đất trồng lúa sẽ được sắp xếp lại
Phó Thủ tướng cho biết, định hướng sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, sẽ được sắp xếp lại cho các ngành có giá trị gia tăng cao hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết sẽ sắp xếp lại định hướng sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa. Ảnh: VGP
Nhày 11.7, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ Tổng Công ty Lương thực miền Bắc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, mỗi cán bộ, đảng viên của Vinafood 1 cần quan tâm và đóng góp vào quá trình đánh giá lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế nhà nước.
Trong đó, lưu ý "cái gì thì theo thị trường, cạnh tranh lành mạnh; cái gì là nhiệm vụ mà Nhà nước giao", bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước đang phải "gánh hai vai": Vừa cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, vừa thực hiện các yêu cầu về an sinh, ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp nhà nước cần được nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu và áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến trên thế giới, nhằm thích ứng, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ toàn cầu hóa.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng cho rằng, cần chuyển mạnh tư duy từ sản xuất sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị, gắn với nhu cầu của thị trường.
Trong bối cảnh chịu tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, áp lực cạnh tranh gay gắt và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, nếu tiếp tục duy trì phương thức sản xuất nông nghiệp như hiện nay thì chất lượng, hiệu quả sản xuất buộc phải được nâng lên, tạo ra giá trị gia tăng vượt trội. Nếu không, chưa chắc người nông dân sẽ tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.
Trong đó, định hướng sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa, đang được xem xét để sắp xếp lại nhằm phục vụ cho các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.
Tuy nhiên, song song với quá trình này, cần đặc biệt chú trọng tới công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, nông dân - đây là nhiệm vụ chính trị.
Dù vậy, năng suất và hiệu quả mới là chỉ số cần quan tâm, bởi đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự bền vững của kinh tế nông nghiệp.
Trong định hướng đó, các doanh nghiệp như Vinafood 1 sẽ tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong hệ sinh thái sản xuất, chế biến, tiêu thụ và liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp.
Do đó, đây chính là thời cơ thuận lợi để các doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó có Vinafood 1, phát triển vươn tầm, nếu chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với xu thế phát triển, nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng.
Trong thời gian tới, hệ sinh thái của Vinafood 1 phải gắn với các nghị quyết về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực trình độ cao về khoa học công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp, quản trị, để nghiên cứu thường xuyên, phát triển năng lực cạnh tranh.
Từ đó, tạo ra sự kết nối và ảnh hưởng, nắm toàn bộ chuỗi từ nghiên cứu, chuyển giao đến sản xuất ở đồng ruộng, liên kết với nông dân.
"Chúng ta cần hỗ trợ cho người nông dân những khâu họ còn thiếu: Hỗ trợ khoa học công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ, chế biến, thương mại, xây dựng thương hiệu. Đó vừa là vai trò bà đỡ, vừa là cách khẳng định thương hiệu và chuỗi giá trị khép kín của Vinafood 1 trên thị trường quốc tế" - Phó Thủ tướng Chính phủ trao đổi.
https://laodong.vn/thoi-su/dinh-huong-su-dung-dat-nong-nghiep-dat-trong-lua-se-duoc-sap-xep-lai-1538711.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)