Thời sự
Cập nhật lúc 03:31 28/03/2025 (GMT+7)
Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt thách thức khi chuyển đổi xanh

Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ Trịnh Đức Kiên chia sẻ, doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp ngành gỗ đối mặt thách thức khi chuyển đổi xanh
Ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - chia sẻ tại phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững”. Ảnh: Phan Anh

Gặp khó khi đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường quốc tế

Phát biểu tại phiên thảo luận trong khuôn khổ sự kiện “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững”, ông Trịnh Đức Kiên - Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ - chia sẻ, doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ đang gặp phải nhiều thách thức khi tham gia vào cuộc đua chuyển đổi xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường quốc tế.

Theo ông Kiên, yêu cầu về xanh và bền vững hiện không còn là xu hướng mà đã trở thành điều kiện bắt buộc ở nhiều thị trường lớn như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Á và châu Úc. Đặc biệt trong ngành gỗ, những tiêu chuẩn này được áp dụng xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị sản phẩm - từ nguyên liệu đầu vào đến phương thức sản xuất và sản phẩm hoàn thiện.

Nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững như FSC hoặc PEFC. Đồng thời phải chứng minh rằng quá trình khai thác không gây phá rừng, mất rừng - phù hợp với các quy định như EUTR hiện tại của EU và EUDR sắp được áp dụng trong thời gian tới.

Trong quá trình sản xuất, các tiêu chuẩn cũng được siết chặt với yêu cầu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường, không phát thải độc hại.

“Chẳng hạn, EU đang triển khai Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), buộc doanh nghiệp khai báo lượng phát thải khí nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm" - ông Kiên nói.

Bên cạnh đó, yếu tố lao động cũng là một phần trong chuỗi yêu cầu xanh. Doanh nghiệp phải đảm bảo các chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các thông lệ quốc tế như tiêu chuẩn BSCI hoặc SEDEX SMETA.

Ở khâu sản phẩm, xu hướng “xanh hóa” vật liệu cũng ngày càng rõ rệt. “Nhiều nhóm sản phẩm buộc phải thay thế chất liệu bằng những vật liệu thân thiện với môi trường, ví dụ như bộ dụng cụ ăn uống dùng một lần bằng tre, giấy thay cho nhựa" - ông Kiên dẫn chứng.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đang gây áp lực lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về chi phí.

“Việc thay đổi công nghệ, quy trình sản xuất và thiết kế sản phẩm làm tăng đáng kể giá thành sản phẩm, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh, nhất là ở những thị trường vẫn còn nới lỏng các yêu cầu về môi trường" - ông Kiên phân tích.

Một trong những bất cập mà ông Kiên đề cập là sự thiếu hụt chính sách hỗ trợ nội địa. Tại Việt Nam, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn chưa nhận được sự ưu tiên về tiêu thụ vì chưa có quy định cụ thể về lộ trình hạn chế hoặc cấm sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm như túi nilon, ly nhựa, đồ dùng nhựa một lần...

Cần hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ

Từ thực tiễn hoạt động, đại diện Công ty Kẻ Gỗ đề xuất Chính phủ sớm ban hành lộ trình và thời hạn cụ thể đối với việc cấm hoặc hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện với môi trường, thay vì chỉ dừng lại ở các chiến dịch kêu gọi tự nguyện.

Bên cạnh đó, ông Kiên cũng kiến nghị cần ưu tiên mua sắm công đối với hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp đã có đầu tư bài bản trong chuyển đổi xanh, đồng thời rà soát, thống nhất các quy định về quản lý nguồn gốc gỗ và lâm sản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chứng minh tính hợp pháp và bền vững của nguyên liệu đầu vào.

“Chuyển đổi xanh là điều tất yếu, nhưng muốn doanh nghiệp thực hiện hiệu quả và bền vững, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và những cơ chế hỗ trợ thực chất” - ông Trịnh Đức Kiên nhấn mạnh.

https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-nganh-go-doi-mat-thach-thuc-khi-chuyen-doi-xanh-1483320.ldo

Phương Anh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: