Dự báo biến động giá xăng dầu 6 tháng cuối năm 2025
Giá xăng dầu thế giới 6 tháng cuối năm 2025 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố địa chính trị. Trong đó thuế quan và căng thẳng Trung Đông vẫn là chủ chốt.
Chuyên gia dự báo giá xăng dầu thế giới 6 tháng cuối năm 2025 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố địa chính trị. Ảnh: Hải Nguyễn
Đó là dự báo của ThS. Đoàn Tiến Quyết - Bộ phận Phân tích Dữ liệu Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) về tình hình xăng dầu thế giới trong 6 tháng cuối năm 2025.
Theo ThS. Đoàn Tiến Quyết đánh giá, trong nửa đầu năm 2025, thị trường xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam đã trải qua tổng cộng 26 đợt điều chỉnh giá. Giá xăng dầu trong nước vẫn khá ổn định, cho thấy vai trò điều tiết và khả năng thích ứng tốt của Chính phủ trong việc điều tiết mặt hàng năng lượng quan trọng này.
"Giá xăng trong nước trong những tháng đầu năm có xu hướng biến động theo xu hướng giảm, một số giai đoạn biến động mạnh bởi chiến tranh Iran-Israe. Theo đó, giữa tháng 6 và gần tháng 7, giá xăng dầu đã có những ngày tăng giá mạnh.
Biến động giá xăng dầu trong nửa đầu năm 2025 đã có tác động đa chiều và rõ nét đến kinh tế Việt Nam. Mặc dù lạm phát chung vẫn trong tầm kiểm soát, những đợt tăng giảm giá đã tạo ra áp lực đáng kể lên chi phí sản xuất và đời sống người dân" - ThS. Đoàn Tiến Quyết đánh giá.
Bám sát diễn biến thị trường dầu thô, ThS. Đoàn Tiến Quyết dự báo thị trường xăng dầu thế giới cũng sẽ không có quá nhiều biến động trong 6 tháng tới. Trong đó, xu hướng thị trường sẽ tập trung vào một số yếu tố như chính sách thương mại và rủi ro từ thuế quan.
"Thị trường vẫn nhạy cảm với các diễn biến tại Trung Đông. Xung đột Israel-Iran vào tháng 6 đã khiến giá dầu tăng đột biến, dù sau đó đã hạ nhiệt. Nguy cơ xung đột leo thang trở lại nếu các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran không có tiến triển, đây được xem là một rủi ro có thể đẩy giá dầu tăng cao" - ThS. Đoàn Tiến Quyết dự báo.
Theo ThS. Đoàn Tiến Quyết, thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi các chính sách của OPEC+. Hiện OPEC+ đang đẩy nhanh việc nới lỏng các đợt cắt giảm sản lượng tự nguyện. Tổ chức này được cho là sẽ ngừng việc nới lỏng sản lượng sau tháng 10. Tuy nhiên, chính sách này có thể thay đổi. Việc OPEC+ quyết định kết thúc nới lỏng sớm hơn hoặc quay lại cắt giảm sâu hơn là một rủi ro có thể đẩy giá tăng. Ngược lại, nếu họ tiếp tục tăng sản lượng để giành thị phần, giá dầu có thể giảm.
Vị chuyên gia này cho rằng tăng trưởng sản xuất công nghiệp (IP) toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 1,6% năm 2024 lên 2,2% vào năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn tăng trưởng GDP, cho thấy sự phục hồi vừa phải trong lĩnh vực sản xuất. Nhu cầu nhiên liệu bay toàn cầu sẽ đạt mức trước đại dịch vào mùa hè năm 2025.
Về nguồn cung, chuyên gia của VPI dự báo sản lượng lọc dầu toàn cầu dự kiến đạt trung bình 83 triệu thùng/ngày trong quý III năm 2025 để đáp ứng nhu cầu cao điểm mùa hè. Việc nhà máy lọc dầu Dangote (Châu Phi) tăng cường hoạt động đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu xăng của Tây Phi từ châu Âu, gây áp lực dư cung xăng tại lưu vực Đại Tây Dương.
"Trong bối cảnh này, thị trường xăng dầu thế giới 6 tháng cuối năm 2025 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố địa chính trị. Trong đó thuế quan và căng thẳng Trung Đông vẫn là chủ chốt. Dự báo giá xăng dầu thế giới sẽ ở mức trung bình từ 65-75 USD/thùng cho năm 2025" - ThS. Đoàn Tiến Quyết dự báo.
https://laodong.vn/thi-truong/du-bao-bien-dong-gia-xang-dau-6-thang-cuoi-nam-2025-1538422.ldo
Thạch Lam (BÁO LAO ĐỘNG)