Gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hằng năm có trên 5,1 triệu trẻ em mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục. Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 17.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, hàng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (trong đó có 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở GDMN độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, GDMN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với GDMN, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Trong đó, có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN còn nghèo nàn. Tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 84,8%, còn 0,5% phòng học tạm và học nhờ/mượn gần 3.000 phòng.
Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp.
Việc ban hành Nghị quyết Quốc hội tạo căn cứ, cơ sở pháp lý giúp các địa phương sớm xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.
Đồng thời, có thời gian chuẩn bị, đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, triển khai thực hiện phổ cập theo lộ trình phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi đối với việc hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo vào năm 2030.
Do đó, việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội là cấp thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc về mặt lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, kịp thời triển khai chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu phát triển chung.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm, Nghị quyết này quy định thực hiện phổ cập GDMN đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Phạm vi thực hiện trên toàn quốc, phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.
Tại phiên họp, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội tán thành sự cần thiết xây dựng Nghị quyết về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban cho rằng, các chính sách của Nghị quyết cần tập trung hướng tới mục tiêu hoàn thành phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách lớn.
Cụ thể, bảo đảm đủ hệ thống trường, lớp học cho tất cả trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; bố trí đủ giáo viên; đầu tư đủ trang thiết bị dạy học tối thiểu; bố trí đủ kinh phí vận hành hoạt động thường xuyên của cơ sở GDMN khi thực hiện phổ cập.
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc quy định chính sách chung cho đối tượng trẻ em 3 đến 5 tuổi, không phải đề xuất chính sách riêng biệt cho từng đối tượng cụ thể.
https://laodong.vn/giao-duc/gan-300000-tre-em-mau-giao-chua-duoc-den-truong-1492810.ldo
CAO NGUYÊN (BÁO LAO ĐỘNG)