Thời sự
Cập nhật lúc 11:42 13/05/2025 (GMT+7)
Gắn hiệu quả công việc, năng suất lao động vào tiền lương, thưởng

Theo Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năng suất lao động, hiệu quả công việc là một trong các căn cứ để tính lương, thưởng.

Sáng 13.5, Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thảo luận tại Quốc hội.

Tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp trong quyết định tiền lương

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp trong việc quyết định tiền lương tại doanh nghiệp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương đối với người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.

Theo Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năng suất lao động, hiệu quả công việc là một trong các căn cứ để tính lương, thưởng. Ảnh: Quochoi
Theo Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, năng suất lao động, hiệu quả công việc là một trong các căn cứ để tính lương, thưởng. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời chỉnh lý khoản 4 Điều 24 về tiền lương, thù lao, tiền thưởng và khoản 5 Điều 36 về quyền, trách nhiệm của người lao động, Hội đồng thành viên, hoặc Chủ tịch Công ty tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Điều 41 về tiền lương, tiền thưởng và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước.

Gắn hiệu quả công việc, năng suất vào tiền lương, thưởng, thù lao

Điều 24 của Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng như sau:

"1. Nguyên tắc xác định:

a) Tuân thủ quy định của pháp luật về lao động;

b) Căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Căn cứ vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với thị trường, ngành nghề, tính chất hoạt động của doanh nghiệp.

d) Căn cứ vào năng suất lao động, hiệu quả công việc của người lao động, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên.

2. Tiền thưởng cho người lao động, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên tại doanh nghiệp được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp.

3. Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên, Tổng giám đốc và các chức danh quản lý khác theo Điều lệ công ty hưởng lương trong quỹ lương chung của doanh nghiệp.

4. Căn cứ nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 Điều này, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng của doanh nghiệp.

5. Chính phủ quy định chi tiết về tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên".

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng, quy định: "Tiền thưởng cho người lao động, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên tại doanh nghiệp được trích từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp" chưa phù hợp.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Quochoi.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Quochoi.vn

"Theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là khoản chi phí phù hợp với doanh nghiệp. Quy định trên không bảo đảm bảo phản ánh nguyên tắc phù hợp với và chi phí tại doanh nghiệp và không phản ánh đúng quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Đối với doanh nghiệp, lỗ phải sử dụng ngân sách nhà nước sẽ tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, không phản ánh tiền lương, tiền công bảo đảm nguyên tắc thị trường. Việc lập toán thường theo quý, quyết toán theo năm dẫn đến việc trả lương không kịp thời, ảnh hưởng đến đối tượng chi trả" - bà Lam phân tích.

Từ những lý do trên, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng thuộc chi phí lao động, không đưa vào lợi nhuận sau thuế.

https://laodong.vn/thoi-su/gan-hieu-qua-cong-viec-nang-suat-lao-dong-vao-tien-luong-thuong-1506011.ldo

Vân Trang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: