Thời sự
Cập nhật lúc 04:58 13/05/2025 (GMT+7)
Giảm thuế GTGT mang lại hiệu quả kép, đề xuất kéo dài đến hết năm 2026

Theo chương trình kỳ họp thứ 9, ngày 13.5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính - thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ - trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Giảm thuế GTGT mang lại hiệu quả kép, đề xuất kéo dài đến hết năm 2026
Giảm thuế GTGT giúp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất. Ảnh: Hải Nguyễn

Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất

Theo dự thảo nghị quyết, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT 2% từ ngày 1.7.2025 đến hết ngày 31.12.2026 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%

Bộ Tài chính cũng đề xuất mở rộng sản phẩm, dịch vụ được giảm thuế suất thuế GTGT 2%. Bao gồm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin...); sản phẩm hóa chất như phân bón và hợp chất nitơ, plastic và caosu tổng hợp dạng nguyên sinh…; than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại; xăng, dầu...

Theo Bộ Tài chính, chính sách giảm thuế GTGT trong các năm qua đã phát huy hiệu quả rõ nét trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích thích tiêu dùng nội địa.

Trong năm 2024, mức hỗ trợ từ chính sách giảm thuế ước khoảng 49.000 tỉ đồng, giúp tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm 2023. Bước sang năm 2025, trong 2 tháng đầu năm, số thuế GTGT được giảm ước đạt 8.300 tỉ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 1.137,5 nghìn tỉ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Đánh giá về tác động của chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: “Chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế GTGT là kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển".

Giúp giảm giá hàng hóa, người dân bớt áp lực

Theo ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi): "Việc tiếp tục duy trì thuế VAT ở mức 8% là một giải pháp tài khóa linh hoạt và thiết thực trong bối cảnh sức mua còn yếu và kinh tế phục hồi chưa vững chắc. Khi thu nhập khả dụng của người dân chưa tăng mạnh, trong khi chi phí y tế, giáo dục, thực phẩm, nhà ở vẫn cao, thì việc giảm thuế GTGT sẽ trực tiếp giúp hạ giá hàng hóa, dịch vụ - từ đó giảm áp lực chi tiêu hằng ngày cho hàng chục triệu người dân".

Ông cho rằng, đây không chỉ là một biện pháp ngắn hạn nhằm hỗ trợ tiêu dùng, mà còn là "liều thuốc" tác động đến kỳ vọng thị trường.

Ông Huy nhận định “Thực tiễn triển khai chính sách giảm VAT từ 10% xuống 8% trong giai đoạn 2022-2024 cho thấy hiệu quả kép. Với người tiêu dùng, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã giảm khoảng 1,5-2%, giúp tăng khả năng tiếp cận, đặc biệt là với nhóm thu nhập trung bình và thấp. Với doanh nghiệp, mức thuế thấp hơn tạo dư địa giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và duy trì việc làm, nhất là ở các lĩnh vực chịu áp lực như bán lẻ, du lịch, nhà hàng - khách sạn”.

Từ thực tiễn và các phân tích trên, ông Huy kiến nghị nên kéo dài chính sách VAT 8% đồng thời, cần kết hợp giảm VAT với các chính sách tài khóa và tín dụng khác như: tăng hiệu quả chi tiêu công, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải cách thủ tục hoàn thuế và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thuế. Điều này sẽ giúp biến chính sách thuế từ công cụ ngắn hạn thành đòn bẩy kích thích tăng trưởng kinh tế dài hạn và có hệ thống.

https://laodong.vn/kinh-doanh/giam-thue-gtgt-mang-lai-hieu-qua-kep-de-xuat-keo-dai-den-het-nam-2026-1505899.ldo

Lục Giang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: