Hà Nội thúc đẩy mạnh mẽ hệ thống giao thông xanh
Để chuyển đổi tư duy trong việc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường - từ “khai thác” sang “bảo vệ”, mỗi cá nhân cần bắt đầu từ những hành động thiết thực.
Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội cho rằng chuyển đổi xanh cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Ảnh: Phan Anh
Phát biểu tại Lễ phát động “Chuyển đổi xanh - Chung tay vì một Việt Nam phát triển bền vững” do Báo Lao Động tổ chức, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội đánh giá - sự kiện này không chỉ là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển kinh tế xanh của đất nước, mà còn khẳng định quyết tâm và vai trò tiên phong của chúng ta trong việc hướng tới tương lai bền vững.
"Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy thách thức, khi mà ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Để đối phó với tình trạng này, việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc.
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chúng ta cần thay đổi tư duy từ "khai thác" sang "bảo vệ". Điều này có nghĩa là chúng ta phải bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ hệ sinh thái và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các hoạt động trồng cây xanh, giữ gìn vệ sinh môi trường, và phân loại, tái chế rác thải là những hành động cụ thể mà mỗi người trong chúng ta có thể thực hiện" - ông Nguyễn Đình Hoa cho biết.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Thành phố Hà Nội, với vị thế là Thủ đô của cả nước, đang thể hiện vai trò đầu tàu với nhiều hành động thiết thực nhằm đạt mục tiêu Net Zero, bảo đảm an ninh năng lượng, cải thiện sức khoẻ cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững. Thành phố xác định rõ các lĩnh vực trọng tâm.
Thúc đẩy giao thông xanh, triển khai hệ thống giao thông công cộng hiện đại như xe buýt điện, các tuyến đường sắt đô thị, làn đi xe đạp và các khu vực đi bộ. Những biện pháp này không chỉ góp phần giảm thiểu khí thải, khí nhà kính, cải thiện sức khoẻ cộng đồng mà còn giúp chuyển đổi, sắp xếp lại hệ thống giao thông thành phố theo hướng thông minh, thuận tiện hơn.
Ông Hoa cho biết thêm cần xây dựng vùng phát thải thấp, là khu vực hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí. Trước mắt thành phố sẽ thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp tại Quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, và sau này sẽ mở rộng đến các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.
Cải thiện chất lượng không khí, tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc và dữ báo chất lượng không khí, đồng thời thực hiện các biện pháp giảm bụi mịn từ các nguồn giao thông, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh, góp phần bảo vệ môi trường Thủ đô.
Tăng cường hợp tác quốc tế, Hà Nội cũng đang tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để đổi mới sáng tạo trong phát triển bền vững. Chúng ta đang áp dụng các mô hình "thành phố xanh" nơi mà các nguồn phát thải được kiểm soát và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.
"Thành công của việc chuyển đổi xanh không chỉ dựa vào nỗ lực của chính quyền mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức đều có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một Hà Nội xanh vì một Việt Nam xanh, sạch và phát triển bền vững" - ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.
https://laodong.vn/kinh-doanh/ha-noi-thuc-day-manh-me-he-thong-giao-thong-xanh-1483318.ldo
Thạch Lam (BÁO LAO ĐỘNG)