Lạm phát và chi phí sản xuất tăng là thách thức của doanh nghiệp
Cần Thơ - Lạm phát và chi phí sản xuất tăng là thách thức nhiều doanh nghiệp phải đối mặt trong năm 2025.
Nhiều thách thức
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị hội viên thường niên năm 2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với chủ đề “Thích ứng trước thách thức thương mại toàn cầu: cơ hội và hướng đi mới cho doanh nghiệp ĐBSCL” diễn ra tại TP Cần Thơ ngày 14.5.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mỹ Ly
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, năm 2024, kinh tế ĐBSCL tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. GRDP toàn vùng đạt 7,3%, vượt mức tăng trưởng năm 2023 (6,6%) và cao hơn mức bình quân cả nước (7,1%). Nhiều địa phương có mức tăng trưởng ấn tượng như Trà Vinh (10,04%), Hậu Giang (8,76%), Long An (8,3%) và Kiên Giang (7,5%).
Cơ cấu kinh tế của vùng vẫn đặc trưng bởi tỉ trọng lớn từ khu vực nông - lâm - thủy sản. Xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 41,96 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 28,195 tỉ USD (tăng 15,6%) và nhập khẩu 13,766 tỉ USD (tăng 21,37%).
Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và Cần Thơ là những địa phương có xuất siêu cao. ĐBSCL đóng góp tới 57% tổng giá trị thặng dư từ thương mại quốc tế vào ngân sách quốc gia.
Bên cạnh những kết quả khả quan, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn khiêm tốn, cả về số lượng dự án lẫn quy mô vốn.
Nhiều doanh nghiệp lo ngại về lạm phát và chi phí sản xuất tăng. Ảnh minh họa: Mỹ Ly
Theo khảo sát do VCCI chi nhánh ĐBSCL thực hiện đầu năm 2025, phần lớn doanh nghiệp dự báo sẽ gặp nhiều thách thức. Theo đó, 68,8% doanh nghiệp lo ngại về lạm phát và chi phí sản xuất tăng; 57,1% doanh nghiệp dự báo nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm và 54,5% doanh nghiệp cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ suy giảm.
Những con số này là lời cảnh báo nghiêm túc, đòi hỏi cả khu vực công và tư phải có hành động nhanh chóng, quyết liệt và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua sóng gió.
3 nhóm hoạt động chính hỗ trợ doanh nghiệp
Để vượt qua những thách thức trong năm 2025, các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đến chính sách và cải tiến môi trường kinh doanh; xúc tiến thương mại; tăng cường năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua đào tạo, tư vấn.
Bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL - phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Ly
Trước nhu cầu đó, VCCI chi nhánh ĐBSCL đã có kế hoạch cụ thể để đáp ứng. Đối với nhóm hoạt động về chính sách, bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL - thông tin, sẽ bao gồm xây dựng và công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2024 và Diễn đàn Chính sách Phát triển; thành lập câu lạc bộ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp; Phối hợp với địa phương tổ chức các hội thảo về chính sách, cung cấp thông tin thiết yếu cho doanh nghiệp...
Nhóm hoạt động cải tiến môi trường bao gồm tư vấn, hỗ trợ các địa phương nâng cao chỉ số DDCI, PCI; đề xuất, kết nối các dự án, quỹ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng…
Liên quan đến nhóm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực (đào tạo, cung cấp thông tin); kết nối kinh doanh (tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối trực tiếp); mở rộng thị trường (cung cấp thông tin thị trường, tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại trong và ngoài nước).
https://laodong.vn/kinh-doanh/lam-phat-va-chi-phi-san-xuat-tang-la-thach-thuc-cua-doanh-nghiep-1506919.ldo
MỸ LY (BÁO LAO ĐỘNG)