Mạnh dạn để Bí thư kiêm nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã sau sáp nhập
Đại biểu Quốc hội đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã sau khi sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính để tăng hiệu quả điều hành.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn đề nghị nhất thể hóa chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND cấp xã sau sáp nhập. Ảnh: Phạm Đông
Ngày 23.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến công tác cán bộ ở cấp phường, xã sau sắp xếp. Đây là một quyết sách lớn không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, mà còn để kiến tạo nên một nền hành chính hiện đại, hiệu quả.
Nếu thực hiện tốt, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển đồng bộ từ gốc rễ - nơi gần dân nhất, nơi mọi chính sách, mọi chủ trương đều phải đi vào đời sống một cách cụ thể, sát sườn.
“Chính vì vậy, tôi đặt ra một câu hỏi không mới, nhưng cần thiết trong thời điểm hiện nay: Chúng ta có nên mạnh dạn trao quyền cho những người đủ năng lực, cụ thể là để Bí thư Đảng ủy xã, phường đồng thời đảm nhiệm chức danh Chủ tịch UBND cùng cấp?”, đại biểu đề cập.
Đại biểu cho rằng trong một bộ máy tinh giản và hiệu lực cao, sự đồng nhất giữa vai trò lãnh đạo Đảng và điều hành chính quyền sẽ giúp các quyết sách được thông suốt, giảm độ trễ và tăng hiệu quả thực thi.
Một người, nếu đủ tâm và đủ tầm, sẽ tạo ra một chính quyền gần dân hơn, quyết đoán hơn, dám nghĩ - dám làm - dám chịu trách nhiệm.
Theo đại biểu, cũng sẽ có những băn khoăn về nguy cơ tập trung quyền lực, lo ngại về tính độc đoán. Nhưng chúng ta không trao quyền trong một môi trường không có kiểm soát.
Hệ thống chính trị cấp cơ sở vẫn còn đó Đảng ủy, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cùng những thiết chế giám sát chặt chẽ đã được thiết lập và hoàn thiện nhiều năm qua.
Vấn đề không nằm ở việc một người kiêm nhiệm hai chức danh, mà nằm ở chỗ người đó có vì dân, có đủ năng lực và có bị kiểm soát hiệu quả hay không.
“Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần một tư duy mới, dũng cảm hơn trong tổ chức bộ máy hành chính cơ sở.
Việc trao quyền cho Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã, phường - nếu được cân nhắc kỹ lưỡng và thí điểm phù hợp - có thể là một bước đi táo bạo nhưng đúng đắn, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và phát triển đất nước”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) cho biết hiện có 10 tỉnh, thành phố đang hưởng chính sách đặc thù. Vấn đề đặt ra sau sáp nhập, với những tỉnh mới sẽ thực hiện như thế nào?
Xuất phát từ thực tế như vậy, Chính phủ đã trình và Bộ Chính trị đã cho ý kiến. “Ở đây mới chỉ dừng ở chủ trương thôi, chưa bàn gì đến 10 nghị quyết đặc thù cả, cũng chưa bàn gì về việc chính sách nào hợp lý, chính sách nào cần luật hóa, chính sách nào thì dừng lại”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, khi chủ trương thông qua, trên cơ sở 10 nghị quyết đặc thù sẽ rà soát để hoàn thiện. Ví dụ, nghị quyết đặc thù của thành phố Hải Phòng, trong kỳ họp này, sau khi rà soát cũng ban hành được ngay.
Còn với các nghị quyết đặc thù khác, ví dụ Đà Nẵng sáp nhập với Quảng Nam sẽ áp dụng như thế nào? Đà Nẵng cũng sẽ rà soát để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
“Ở đây mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chính sách và chưa thể nói được cái gì hợp lý, cái gì không hợp lý”, đại biểu lý giải.
https://laodong.vn/thoi-su/manh-dan-de-bi-thu-kiem-nhiem-chu-tich-ubnd-cap-xa-sau-sap-nhap-1511527.ldo
PHẠM ĐÔNG (báo lao động)