Ngành y tế đối diện với nhiều thách thức trong năm tới
Ngành Y tế tập trung đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển hệ thống y tế chất lượng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 diễn ra ngày 24.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận và biểu dương những kết quả ngành Y tế đạt được trong năm 2024.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, năm 2024 ngành y tế đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 2 chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân (đạt 14 bác sĩ/vạn dân) và số giường bệnh/vạn dân (đạt 34 giường/vạn dân), chỉ tiêu về tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1%.
Phó Thủ tướng cho hay ngành y tế phải đối diện với nhiều thách thức trong năm tới như cơ cấu bệnh tật có nhiều thay đổi; tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, khó ứng phó; quy mô dân số tăng; xu hướng già hóa dân số; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao và đa dạng...
Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, theo dõi sát tình hình các loại dịch bệnh; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo. Đồng thời tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả". Hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật sửa đổi, bổ sung vừa được thông qua...
Bộ Y tế sẽ tiếp nhận 3 tổ chức hành chính thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là: Cục Trẻ em, Cục Bảo trợ xã hội và Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; tiếp nhận nguyên trạng 10 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm: 5 bệnh viện, 3 trung tâm, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Văn phòng Làng trẻ em SOS, tiếp nhận Văn phòng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương về Bộ Y tế.
Trên cơ sở đó, phương án sắp xếp tổ chức hành chính thuộc Bộ Y tế sau khi tiếp nhận như sau: Giữ nguyên 14 tổ chức hành chính thuộc Bộ Y tế và 3 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước; hợp nhất Cục Quản lý Môi trường Y tế và Cục Y tế dự phòng thành Cục Y tế dự phòng và Môi trường hoặc Cục Y tế công cộng thuộc Bộ Y tế; hợp nhất Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em thuộc Bộ Y tế và Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành Cục Bảo vệ, chăm sóc Bà mẹ - Trẻ em hoặc Cục Bà mẹ - Trẻ em thuộc Bộ Y tế; hợp nhất Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế và Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ LĐTB-XH thành Cục Phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội thuộc Bộ Y tế. Tổ chức lại Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thành Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, thành lập Phòng Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ thuộc Cục Quản lý Khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế trên cơ sở tiếp nhận Văn phòng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.
Như vậy, trước khi sắp xếp, Bộ Y tế có 18 tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của bộ; tiếp nhận 3 tổ chức hành chính thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Văn phòng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, tổng số là 22 tổ chức hành chính. Sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế có 18 tổ chức hành chính thuộc Bộ Y tế, giảm 4 tổ chức hành chính thuộc Bộ (đạt tỉ lệ giảm 18,18%).
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực, đạt nhiều kết quả quan trọng trong cải cách chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, còn không ít hạn chế, bất cập, thậm chí một số vấn đề gây bức xúc trong dư luận như chưa khắc phục được triệt để tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, chậm xử lý một số dự án, vướng mắc...
Một số hoạt động xây dựng và hoàn thiện thể chế còn chậm, trong khi có những việc chỉ cần văn bản có thể làm ngay được. Bộ Y tế cần chủ động hơn.
https://laodong.vn/y-te/nganh-y-te-doi-dien-voi-nhieu-thach-thuc-trong-nam-toi-1439938.ldo
Lệ Hà (BÁO LAO ĐỘNG)