Thời sự
Cập nhật lúc 09:25 09/07/2025 (GMT+7)
Nghiên cứu chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế

Phó Thủ tướng nêu rõ, cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế.

 

Nghiên cứu chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ với cán bộ y tế
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ cần nghiên cứu chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế. Ảnh: VGP

Ngày 8.7, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo dự thảo nghị quyết, mục tiêu đề ra là trong 5 năm 2025-2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở. Tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.

Từ năm 2026, mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm 1 lần; được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là gánh nặng kép của bệnh tật, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số, và những yêu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ y tế.

Những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế... vẫn đang là những rào cản lớn. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.

Bộ trưởng cũng cho rằng, Nghị quyết lần này phải khắc phục được tình trạng "chính sách tốt, nhưng triển khai yếu", phải mang tính hành động.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. Ảnh: Đức Tuân
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. Ảnh: Đức Tuân

GS.TS. Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam nhất trí cho rằng, cần thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của kinh tế tư nhân vào lĩnh vực y tế.

"Cần có các chính sách đột phá để doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào y tế vùng sâu, vùng xa", GS.TS. Nguyễn Văn Đệ nói và cho biết cần ưu đãi về đất đai, thuế. Nếu có chính sách tốt, đơn vị sẽ làm thêm 2 bệnh viện nữa ở miền núi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Huy Ngọc cho rằng, hệ thống y tế còn một số tồn tại, tập trung vào 2 vấn đề chính: Nguồn nhân lực còn thiếu và đầu tư cho hạ tầng cơ sở, trang thiết bị còn khó khăn.

"Tiền lương cho cán bộ y tế cơ bản như các ngành khác, chưa có gì khác biệt, trong khi nghề y là nghề đặc biệt, cần chính sách đãi ngộ đặc biệt cho ngành y tế", ông Nguyễn Huy Ngọc góp ý.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long lưu ý cần nghiên cứu, làm rõ các đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu cụ thể đi kèm.

Cần thiết kế, có đề xuất về mô hình tổ chức bộ máy y tế ở địa phương, cũng theo hướng bỏ trung gian, theo hướng 2 cấp, như vậy "xử lý các trạm y tế xã sẽ như thế nào".

Về tờ trình dự thảo Nghị quyết, cần rà soát các chính sách, các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và phải làm nổi bật các điểm mới, các điểm khác biệt so với hiện nay, từ đó làm rõ được sự cần thiết của Nghị quyết.

Cần nghiên cứu, kết hợp với 4 nghị quyết lớn của Bộ Chính trị (bộ tứ trụ cột) để phát triển các nội dung ở khía cạnh y tế, bảo vệ sức khỏe người dân.

https://laodong.vn/thoi-su/nghien-cuu-che-do-tien-luong-chinh-sach-dai-ngo-voi-can-bo-y-te-1536759.ldo

PHẠM ĐÔNG (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: