Thời sự
Cập nhật lúc 10:16 14/04/2025 (GMT+7)
Những dòng kênh ô nhiễm được hồi sinh, thay đổi diện mạo đô thị TPHCM

TPHCM - 50 năm qua, chính quyền TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong việc hồi sinh các dòng kênh ô nhiễm, thay đổi diện mạo đô thị, mang lại niềm vui cho người dân.

Cách đây vài thập kỷ, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Hàng Bàng, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát, Nước Đen… từng là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM về mức độ ô nhiễm. Nước kênh đen ngòm, rác thải ngập ngụa, mùi hôi thối bủa vây cả khu dân cư...

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau hơn 13 năm hoàn thành cải tạo. Ảnh: Anh Tú
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau hơn 13 năm hoàn thành cải tạo. Ảnh: Anh Tú

Ông Trần Hoàng (ngụ quận Bình Thạnh), người gắn bó với dòng kênh Nhiêu Lộc hơn 40 năm, vẫn nhớ như in thời điểm dòng kênh này bị ví như "con mương rác".

“Nhiều gia đình có trẻ nhỏ phải dọn đi nơi khác vì bệnh tật, ô nhiễm. Không ai dám nghĩ một ngày có thể đi bộ dọc bờ kênh, hít thở không khí trong lành như bây giờ", ông Hoàng chia sẻ.

Hệ thống máy tập thể dục ngoài trời được lắp đặt dọc tuyến kênh để phục vụ người dân. Ảnh: Hữu Chánh
Hệ thống máy tập thể dục ngoài trời được lắp đặt dọc tuyến kênh để phục vụ người dân.

Thay đổi bắt đầu từ những quyết sách chỉnh trang đô thị của chính quyền TPHCM. Năm 2002, dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được khởi động với tổng vốn đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng.

Sau 10 năm nỗ lực, dòng kênh dài gần 10 km chảy qua các quận trung tâm như Quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận đã hoàn toàn "thay da đổi thịt". Nước trong xanh, hai bên bờ là công viên, đường đi bộ, lan can an toàn tạo nên một không gian sống lý tưởng cho hàng chục nghìn hộ dân.

Nhà máy xử lý nước cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quy mô lớn nhất nước và Đông Nam Á Với công suất xử lý 480.000 m3 nước thải mỗi ngày đêm, nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè quy mô lớn nhất nước và Đông Nam Á hiện đạt gần 50% khối lượng, dự kiến hoàn thành xây dựng vào tháng 6.2025.
Nhà máy xử lý nước cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quy mô lớn nhất nước và Đông Nam Á đang được đẩy nhanh tiến độ thi công kịp hoàn thành trong quý II/ 2025. Khi hoàn thành, nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ giúp TPHCM nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm. Ảnh: Anh Tú

Không chỉ Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Hàng Bàng - từng bị lấp một phần, ô nhiễm nặng và tồn tại nhiều nhà ổ chuột ven kênh. Sau gần 10 năm cải tạo với tổng vốn hơn 2.000 tỉ đồng, kênh Hàng Bàng - đoạn dài hơn 1,4 km từ đường Lò Gốm đến Vạn Tượng đã hoàn thiện. Trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục làm giai đoạn 3 của dự án từ năm 2026 và hoàn thành vào năm 2028. Mục tiêu là khôi phục mặt nước, tăng cường mảng xanh và cải tạo toàn bộ tuyến kênh, biến nơi đây thành "hành lang xanh" và "trái tim xanh" của Quận 5 và Quận 6 .​

Kênh Hàng Bàng đoạn từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng trước và sau khi cải tạo. Ảnh: Anh Tú
Kênh Hàng Bàng đoạn từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng trước và sau khi cải tạo. Ảnh: Anh Tú
Người dân Quận 5 phấn khởi khi con kênh Hàng Bàng đã hoàn thiện và xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Anh Tú
Người dân Quận 5 phấn khởi khi con kênh Hàng Bàng đã hoàn thiện và xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Anh Tú

Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài hơn 7km, từng ảnh hưởng đến gần một triệu người dân phía Tây TPHCM, nay nước không còn đen ngòm, hai bên bờ là đường thông thoáng, công viên cây xanh.

Kênh Tân Hóa - Lò Gốm hơn 7 km qua ba Quận 6, 11 và Tân Phú. Ảnh: Hữu Chánh
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm hơn 7 km qua ba Quận 6, 11 và Tân Phú. Ảnh: Hữu Chánh
Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được kè lại chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5 m và làm vỉa hè rộng gần một mét cho người đi bộ. Công viên Lò Gốm ven kênh tạo cảnh quan, lắp các tiện ích để người dân tập thể dục, thưởng ngoạn.
Sau khi cải tạo, lòng kênh được nạo vét, hai bên bờ được xây kè chắc chắn, lắp lan can cao hơn 1,5 m và làm vỉa hè cho người đi bộ... Ảnh: Anh Tú

Tại kênh Nước Đen (quận Bình Tân), sau nhiều năm ô nhiễm nghiêm trọng, dự án cải tạo đã hoàn tất vào năm 2022. Con kênh từng là nỗi ám ảnh của người dân vì rác thải, nước đen đặc và mùi hôi nồng nặc, nay đã trở thành điểm nhấn xanh trong đô thị. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, nước kênh trong trở lại. Hai bên bờ được xây kè vững chắc, có đường đi bộ, cây xanh và lan can bảo vệ, tạo nên không gian sinh hoạt cộng đồng thân thiện.

Toàn cảnh con kênh nước đen sau cải tạo. Ảnh: Anh Tú
Toàn cảnh con kênh Nước Đen sau cải tạo. Ảnh: Anh Tú

Bà Trịnh Thị Hoa (67 tuổi), sống cạnh kênh Nước Đen, chia sẻ: “Trước đây người dân gọi là ‘kênh Nước Đen’ vì ô nhiễm không thể chịu nổi. Từ khi cải tạo xong, môi trường sống được cải thiện rõ rệt, con cháu tôi giờ có thể ra dạo mát mỗi buổi chiều, ai cũng vui.”

Tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Hiện dự án đã hoàn thành hơn 50% khối lượng công việc, và trong đợt 30.4 sắp tới sẽ thông xe kỹ thuật đoạn từ Quận 12, Gò Vấp, quận Tân Bình. Và sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ vào cuối năm 2025.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã và đang hình thành diện mạo
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã và đang hình thành diện mạo sau 2 năm cải tạo. Ảnh: Anh Tú

Việc chính quyền TPHCM chỉnh trang đô thị, cải tạo, hồi sinh những kênh rạch ô nhiễm thời gian qua đã góp phần thay đổi diện mạo của thành phố ngày càng khang trang hơn, đồng thời tạo ra môi trường sống tốt cho người dân.

https://laodong.vn/moi-truong/nhung-dong-kenh-o-nhiem-duoc-hoi-sinh-thay-doi-dien-mao-do-thi-tphcm-1490981.ldo

Anh Tú (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: