Trung tâm Hành chính - Chính trị TP Hải Phòng. Ảnh: Hoàng Khôi
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12.4.2025), trong đó “Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất với Phương án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng, lấy tên là TP Hải Phòng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Hải Phòng hiện nay.
Căn cứ Nghị quyết số 60-NQ/TW và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp, Sở Nội vụ chủ trì xây dựng dự thảo Đề án Hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng. Đồng thời, đăng tải tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Theo đề án, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm cụ thể hóa chủ trương tiếp tục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24.12.2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; Nghị quyết số 76/UBTVQH15 ngày 14.4.2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính năm 2025.
Việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn tại địa phương, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả của chính quyền các cấp, tinh giản biên chế, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức để phục vụ nhân dân tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại, phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, khoáng sản để phát triển.
Sau hợp nhất, TP Hải Phòng (mới) có diện tích 3.194,7 km2 (đạt 212,98% so với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương), quy mô dân số 4.664.124 người (đạt 466,41% so với tiêu chuẩn). Phía Bắc của Hải Phòng sẽ giáp tỉnh Bắc Giang (tỉnh Bắc Ninh mới); phía Nam giáp tỉnh Thái Bình (tỉnh Hưng Yên mới); phía Đông giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây giáp tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên. Nơi đặt Trung tâm chính trị - hành chính của TP Hải Phòng (mới) là Trung tâm chính trị - hành chính TP Hải Phòng đang hoàn thiện hiện nay.
TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương sau hợp nhất có 114 đơn vị hành chính gồm: 46 phường; 66 xã; 2 đặc khu. Trong đó: Hải Phòng có 50 đơn vị hành chính gồm: 25 phường, 23 xã, 2 đặc khu; Hải Dương có 64 đơn vị hành chính gồm: 21 phường; 43 xã.
Theo dự thảo đề án, trong vòng 3 năm, kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng có hiệu lực thi hành, UBND TP Hải Phòng hoàn thành việc việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm khai thác, sử dụng có hiệu quả và không lãng phí. TP Hải Phòng nghiên cứu xây dựng các phương án đảm bảo điều kiện làm việc cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tỉnh Hải Dương bao gồm: hỗ trợ phương tiện đi lại, nhà ở, kết nối giao thông…
https://laodong.vn/thoi-su/quy-mo-tp-hai-phong-sau-khi-hop-nhat-voi-tinh-hai-duong-1493961.ldo