Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra lại các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra lại vụ việc có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an... khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Sau khi có kết luận thanh tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra lại các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ảnh: VGP
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.6.2025 và theo đó Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi cả nước; thực hiện hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Về hoạt động thanh tra, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng Định hướng chương trình thanh tra trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của Thanh tra Chính phủ; hướng dẫn Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh thành xây dựng kế hoạch thanh tra và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra.
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ không có Thanh tra bộ.;
Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ không có Thanh tra bộ; thanh tra các vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh; thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp; thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật...
Đáng chú ý với việc vẫn giữ lại Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và Thanh tra Cơ yếu..., Thanh tra Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của các cơ quan này và quyết định xử lý sau thanh tra của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi cần thiết;
Thanh tra Chính phủ đồng thời sẽ thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Cơ quan thanh tra theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ; yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cử người có chuyên môn, nghiệp vụ tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ khi cần thiết.
Thanh tra Chính phủ cũng sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý đối với tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.
https://laodong.vn/thoi-su/thanh-tra-chinh-phu-se-thanh-tra-lai-cac-vu-viec-co-dau-hieu-vi-pham-phap-luat-1511080.ldo
Lam Duy (báo lao động)