Thông tin cần nhớ về kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy 2025
Năm 2025, các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, tư duy. Do đó, độ khó và cấu trúc đề thi là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm.
Với mong muốn mang kỳ thi đánh giá tư duy của các nước phát triển trên thế giới về với học sinh Việt Nam, trong những năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu, thiết kế và triển khai tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy Thinking Skills Assessment (TSA).
Mục tiêu của bài thi TSA là đánh giá ba năng lực tư duy nền tảng của học sinh, bao gồm: Tư duy Toán học, Tư duy Đọc hiểu và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề - những yếu tố quan trọng giúp học sinh có thể học tập tốt nhất tại môi trường giáo dục đại học.
Kỳ thi TSA được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, ứng dụng những công nghệ khảo thí tiên tiến, tiếp cận với các kỳ thi đánh giá tư duy hiện đại trên thế giới, như SAT, ACT...
Theo đó, tổng thời gian của bài thi gồm 150 phút cho 3 nội dung thi gồm: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với hình thức thi là hoàn toàn trắc nghiệm trên máy tính. Bài thi sẽ được tổ chức nhiều đợt thi trong năm, thí sinh dự thi sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi và có thể sử dụng để xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước có nhu cầu. Cấu trúc và nội dung bài thi Đánh giá tư duy sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở đầu tiên mở cổng cho thí sinh đăng ký kỳ thi riêng nhằm lấy kết quả tuyển sinh đại học.
Theo thông tin Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố, năm 2025, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực (SPT) của trường sẽ được 22 trường sử dụng để tuyển sinh đầu vào; trong đó có 9 trường cũ và 13 trường mới. 9 trường đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực SPT từ năm trước gồm các trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm TP Hồ Chí Minh và các trường Sư phạm thuộc: Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vinh và Y Dược Thái Bình.
Năm nay, đề thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Thí sinh làm bài trực tiếp tại phòng thi, trả lời các câu hỏi bằng cách tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm và viết trên tờ giấy thi.
Năm 2025 sẽ có lứa học thi đầu tiên tốt nghiệp theo THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để phù hợp tình hình này, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết bên cạnh những cấu trúc ban đầu, trường cũng có một số thay đổi về cấu trúc đề thi. Cụ thể, đề HSA gồm 3 phần, phần toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); phần ngôn ngữ - văn học (50 câu hỏi, 60 phút); phần khoa học (50 câu hỏi, 60 phút).
Đặc biệt, năm 2025 câu hỏi trong đề thi sẽ không sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó mà sẽ được xáo trộn ngẫu nhiên theo ma trận cố định. Các câu hỏi sẽ khai thác nhiều nội dung phong phú theo từng lĩnh vực, đòi hỏi các thí sinh phải vận dụng các kiến thức để đưa ra nhận định và phân tích vấn đề.
https://laodong.vn/giao-duc/thong-tin-can-nho-ve-ky-thi-danh-gia-nang-luc-tu-duy-2025-1450687.ldo
MINH CHÂU (BÁO LAO ĐỘNG)