Thời sự
Cập nhật lúc 02:24 23/05/2025 (GMT+7)
Tiết kiệm để đất nước phát triển nhanh

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thông điệp về tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong buổi làm việc với Ban Nội chính Trung ương diễn ra chiều qua (22.5).

Tiết kiệm để đất nước phát triển nhanh
Tại cuộc làm việc với Ban Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đất nước không thể phát triển nhanh nếu không tiết kiệm, vẫn xảy ra lãng phí. Ảnh: Đặng Phước

Không tiết kiệm, đất nước không thể phát triển nhanh

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, công tác nội chính, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, công tác cải cách tư pháp phải triển khai như thế nào để vừa chống được tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vừa phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.

Tại các cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chúng ta đã khẳng định quan điểm “chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội”.

Tổng Bí thư yêu cầu cần tập trung hơn nữa tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ nét công tác phòng, chống lãng phí trong toàn xã hội; phải xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên, phải làm ngay; đất nước không thể phát triển nhanh, không thể tăng trưởng hai con số nếu không tiết kiệm, vẫn để xảy ra tình trạng lãng phí.

Tổng Bí thư yêu cầu phải khẩn trương tham mưu chỉ đạo hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống lãng phí và thể chế, pháp luật có liên quan để phòng, chống lãng phí; trọng tâm là sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật không còn phù hợp.

Lãng phí cơ hội, thời gian là sự lãng phí lớn nhất

Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5.2025 ngày 22.5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, việc xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư trong đẩy mạnh phòng chống lãng phí; chuyển đổi trạng thái từ bị động xử lý sang chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí.

Thủ tướng Chính phủ theo đó đề xuất bổ sung các hành vi lãng phí gồm cả lãng phí thời gian và bỏ lỡ thời cơ phát triển.

Trao đổi với PV Lao Động, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội - nhìn nhận, đất nước ta đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững. Nếu lãng phí tài nguyên như đất đai, nhân lực và tài chính, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia, làm chậm quá trình phát triển.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Trần Vương
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Trần Vương

“Nếu tiếp tục sử dụng lãng phí các nguồn tài nguyên, không chỉ tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường mà còn gia tăng gánh nặng cho các thế hệ tương lai. Việc xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí là cách đảm bảo sự phát triển dài hạn, giảm thiểu tổn thất về mặt tài nguyên và môi trường” - ông Sơn phân tích.

Cũng theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, lãng phí trong quản lý tài sản công, đầu tư công... là biểu hiện tiêu cực gây mất niềm tin vào hệ thống quản lý nhà nước. Do vậy, việc quyết tâm phòng, chống lãng phí giúp củng cố lòng tin của người dân vào nhà nước, tạo ra một môi trường công khai, minh bạch và trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phân tích, thời gian vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đề cập nhiều tới thông điệp về chống lãng phí cũng như đánh giá thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đưa ra rất nhiều giải pháp. Việc này tạo nên sự thay đổi về nhận thức rất lớn cho cả hệ thống chính trị trong việc phòng, chống lãng phí để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, trước đây, còn một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí ngay trong hoạt động quản lý. Nhiều người chỉ coi lãng phí là hành vi cần phải khắc phục, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa coi lãng phí là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Theo đại biểu, có một số cán bộ còn quan niệm lãng phí chỉ là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước không hiệu quả. Thực tế, còn có lãng phí về cơ hội và thời gian.

“Lãng phí cơ hội và thời gian là sự lãng phí tài sản vô hình lớn nhất của con người. Khi cơ hội và thời gian trôi qua sẽ không bao giờ quay trở lại" - đại biểu Hòa phân tích và cho rằng, những điều này cần phải được khắc phục.

https://laodong.vn/thoi-su/tiet-kiem-de-dat-nuoc-phat-trien-nhanh-1511435.ldo

Vương Trần (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: