Trường Đại học Ngoại thương vẫn xét học bạ năm 2025
Trường Đại học Ngoại thương vừa thông báo phương thức xét tuyển đại học năm 2025, trong đó vẫn giữ xét học bạ.
Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 4.150 sinh viên ở ba cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh. Các tổ hợp xét tuyển gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh), D00 (Văn, Toán, Ngoại ngữ: tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật, Nga).
Về phương thức tuyển sinh, Trường Đại học Ngoại thương giữ ổn định như năm ngoái với 4 phương thức: Xét học bạ; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; Xét điểm thi đánh giá năng lực và chứng chỉ năng lực quốc tế; Xét tuyển thẳng.
Với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (xét học bạ), trường áp dụng cho 3 nhóm đối tượng. Một là thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia hoặc giải khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia. Hai là học sinh trường chuyên hoặc trường THPT trọng điểm quốc gia. Ba là học sinh hệ không chuyên đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố.
Ở từng nhóm đối tượng, thí sinh có thể lựa chọn xét tuyển theo kết quả học tập THPT theo các tổ hợp môn xét tuyển (điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn) hoặc xét kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tùy theo chương trình đào tạo.
Song trường áp dụng một số điều kiện thí sinh cần đạt ở mỗi nhóm đối tượng như tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp từ 24 trở lên; đạt IELTS tối thiếu 6.5 và các chứng chỉ khác tương đương (nếu xét kết hợp); học lực 6 kỳ ở mức Tốt và hạnh kiểm ở mức Khá trở lên...
Trong khi đó, phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có 2 nhóm đối tượng: thí sinh chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp và thí sinh xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Với nhóm xét tuyển kết hợp điểm thi và chứng chỉ, trường đặt ra các yêu cầu: tổng điểm 3 môn tốt nghiệp trong tổ hợp phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng; có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên và các chứng chỉ khác tương đương...
Phương thức xét tuyển thứ 3 là sử dụng điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức và chứng chỉ năng lực quốc tế.
Với điểm thi đánh giá năng lực, trường yêu cầu thí sinh có kết quả bài thi đạt từ 100/150 hoặc 850/1200 điểm trở lên.
Còn với nhóm chứng chỉ năng lực quốc tế, thí sinh cần xét kết hợp chứng chỉ này với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Học sinh cần có chứng chỉ SAT từ 1380 điểm trở lên, hoặc chứng chỉ ACT từ 30 điểm trở lên, hoặc chứng chỉ A-Level với điểm môn Toán đạt từ điểm A trở lên. Đồng thời, học sinh cần nộp chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên và các chứng chỉ khác tương đương.
Cuối cùng là phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GDĐT.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý những yêu cầu chi tiết của nhà trường về chứng chỉ ngoại ngữ, ngưỡng chất lượng đầu vào, chương trình đào tạo tương ứng với nhóm đối tượng xét tuyển...
Nhà trường thông báo thêm, thời gian xét tuyển của trường thực hiện theo quy định chung của Bộ GDĐT. Các ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của từng nhóm đối tượng có thể được điều chỉnh cho phù hợp với quy định và tình hình thực tế.
https://laodong.vn/giao-duc/truong-dai-hoc-ngoai-thuong-van-xet-hoc-ba-nam-2025-1453941.ldo
ANH ĐỨC (BÁO LAO ĐỘNG)