Thời sự
Cập nhật lúc 11:39 11/07/2025 (GMT+7)
Tư nhân đổ vốn vào metro, thêm động lực đột phá hạ tầng cho TPHCM

TPHCM đang đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước vào các dự án metro. Đây là cơ hội lớn để thành phố thúc đẩy xây dựng mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, tiết kiệm ngân sách và rút ngắn tiến độ.

Tư nhân đổ vốn vào metro, thêm động lực đột phá hạ tầng cho TPHCM
Depot Long Bình của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: Minh Quân

Metro số 2 có sức hút lớn

Trong số các tuyến metro chuẩn bị triển khai, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), dài hơn 11km, kết nối trung tâm thành phố với khu Tây Bắc, hiện nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ các nhà đầu tư. Tổng vốn đầu tư tuyến metro này hơn 2,1 tỉ USD (gần 47.900 tỉ đồng).

Mới đây, liên danh gồm Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Fecon (Việt Nam), Tập đoàn PowerChina và Công ty Sucgi (Trung Quốc) đã đề xuất tham gia đầu tư Metro số 2 cũng như các tuyến đường sắt đô thị khác tại TPHCM.

Trước đó, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) kiến nghị nghiên cứu đầu tư tuyến Metro số 2 (đoạn Tham Lương - Bến Thành và đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm) đồng thời mong muốn được triển khai tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành dài gần 42km, với tổng vốn đầu tư khoảng 3,4 tỉ USD.

Bên cạnh đó, liên danh Tập đoàn Đại Dũng, Tổng Công ty Xây dựng số 1, Tập đoàn Hòa Phát cũng mong muốn tham gia xây dựng các tuyến metro, đặc biệt là Metro số 2.

Tập đoàn Sovico đã đề xuất đầu tư tuyến Metro số 4 dài 47,3km (Đông Thạnh - Khu công nghiệp Hiệp Phước). Trong khi đó, Gamuda Land (Malaysia) muốn tham gia đầu tư tuyến metro kết nối TPHCM với sân bay quốc tế Long Thành.

Một trong những dự án nổi bật khác là tuyến metro từ trung tâm TPHCM đi Cần Giờ do Tập đoàn Vingroup đề xuất. Dự án này dài khoảng 48,7km, điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Linh và kết thúc tại khu đất giáp Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4 tỉ USD. Dự kiến, dự án có thể khởi công vào đầu năm 2026 sau khi hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Thí điểm chỉ định thầu ở Metro số 2

TPHCM đang đặt mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị quy mô lớn nhằm tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện công cộng lên 40-50%. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2035, thành phố sẽ xây dựng 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km, tổng vốn đầu tư hơn 40 tỉ USD. Giai đoạn sau đó (2035-2045), hệ thống sẽ tiếp tục mở rộng thêm 155km, nâng tổng chiều dài lên 510km.

Việc đầu tư và triển khai các dự án metro kỳ vọng sẽ được tăng tốc nhờ Nghị quyết 188 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Trong đó, TPHCM được phép áp dụng các hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn và EPC, đồng thời rút gọn nhiều thủ tục đầu tư để đảm bảo tiến độ.

Dự án Metro số 2 sẽ là tuyến đầu tiên được TPHCM áp dụng các cơ chế đặc thù này, dự kiến phát lệnh khởi công vào cuối năm 2025.

Tư nhân đầu tư sẽ hiệu quả và tiết kiệm ngân sách

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, thành phố rất hoan nghênh và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các dự án hạ tầng lớn như metro.

“Tư nhân đầu tư metro không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn giúp đẩy nhanh tiến độ. Khi doanh nghiệp bỏ tiền túi ra đầu tư thì họ sẽ làm chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn” - ông Được nhấn mạnh.

Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư tư nhân vào metro tại TPHCM là kết quả của hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 188 của Quốc hội về phát triển đường sắt đô thị và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Những chính sách này đã mở đường, khơi dậy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

TS Nguyễn Quốc Hiển - Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đánh giá, Nghị quyết 188 đã “cởi trói” cho lĩnh vực đường sắt đô thị bằng 5 nhóm cơ chế: Huy động vốn, rút gọn thủ tục đầu tư, phát triển đô thị theo mô hình TOD, thúc đẩy công nghiệp đường sắt và đào tạo nhân lực, cùng với chính sách hỗ trợ vật liệu xây dựng và xử lý đổ thải.

GS-TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) - cho rằng, các doanh nghiệp tư nhân hiện nay đã tự tin hơn, sẵn sàng đầu tư và chấp nhận rủi ro để đảm nhận những trọng trách lớn.

Theo ông Vinh, đặc thù của các dự án metro là cần vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trước đây phần lớn dựa vào nguồn vốn ODA. Khi có sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước, tiến độ triển khai sẽ được đẩy nhanh hơn nhờ khả năng huy động vốn linh hoạt và quyết tâm thực hiện để đảm bảo chất lượng, giữ vững uy tín thương hiệu. “TPHCM sẽ có cơ hội hình thành một hệ thống metro đạt được cả ba yếu tố: Nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm ngân sách” - ông Vinh nhận định.

https://laodong.vn/kinh-doanh/tu-nhan-do-von-vao-metro-them-dong-luc-dot-pha-ha-tang-cho-tphcm-1538373.ldo

MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: