Xóa bỏ tâm lý công chức suốt đời, mở ra cơ hội cho người tài
Bộ Nội vụ đã có đề xuất mới để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, trây ỳ, tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, tình trạng công chức suốt đời.
Bộ Nội vụ đề xuất các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ. Ảnh: Hải Nguyễn
Bộ Nội vụ đã hoàn thiện và gửi xin ý kiến về dự thảo Tờ trình, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo Luật bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, có vào, có ra, có lên, có xuống.
Cơ chế này nhằm giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, trây ỳ; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, cơ chế đào thải không đủ mạnh; bảo đảm xây dựng đội ngũ tinh nhuệ, chất lượng, đủ đức, đủ tài để phục vụ Đảng, đất nước và nhân dân (Điều 13, Điều 14, Điều 26).
Trước hết, đề xuất về sát hạch, cạnh tranh là tín hiệu tích cực cho quá trình cải cách hành chính, nhằm xóa bỏ tình trạng ì ạch, trây lười, né tránh nhiệm vụ hoặc trông chờ vào cơ chế “an toàn suốt đời”.
Việc một bộ phận cán bộ, công chức lâu nay mặc định "vào Nhà nước là yên vị" đã phần nào gây nên tâm lý tự thỏa mãn, thiếu động lực cống hiến.
Cơ chế sát hạch, nếu được thực hiện nghiêm túc, sẽ tạo ra áp lực cần thiết, buộc mỗi người phải nỗ lực cải thiện hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu cụ thể của vị trí việc làm.
Nói cách khác, chính sách “thi đua, cạnh tranh có đào thải” sẽ thanh lọc những cá nhân không đủ năng lực, ý thức trách nhiệm kém, vừa nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, vừa tối ưu hóa bộ máy.
Tuy nhiên, thách thức đặt ra là: Làm thế nào để sát hạch diễn ra minh bạch, khách quan, tránh “biến tướng” thành công cụ thanh lọc mang tính cảm tính hoặc trả thù cá nhân?
Một quan ngại khác là tâm lý “bấp bênh” có thể nảy sinh trong đội ngũ cán bộ, công chức, khi họ lo sợ mất vị trí, từ đó dẫn đến việc chạy theo “thủ thuật” để đối phó hơn là thực chất trong quá trình làm việc.
Đối với nền công vụ truyền thống vốn quen với sự ổn định, đưa ra quy định sát hạch, cạnh tranh có thể xem là một cú “chuyển số” mạnh mẽ.
Nhưng để cú “chuyển số” này mang đến thành công, lợi ích như mong muốn, Bộ Nội vụ, trong quá trình xây dựng luật cần khảo sát kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của nhiều bên: từ chính cán bộ, công chức, các chuyên gia đến người dân thụ hưởng dịch vụ công.
Có như vậy, cơ chế này mới đáp ứng thực chất mục tiêu “loại bỏ tư duy công chức suốt đời”, nâng cao chất lượng phục vụ thay vì chỉ dừng lại trên văn bản.
Bất cứ cải cách nào liên quan đến quyền lợi, dù lớn hay nhỏ, đến số phận nghề nghiệp của hàng triệu cán bộ, công chức cũng đòi hỏi bước đi cẩn trọng.
“Bỏ tâm lý công chức suốt đời” không chỉ là xóa bỏ sự cầm chừng mà còn mở ra cơ hội tạo nên một đội ngũ tinh hoa, có năng lực, dám cạnh tranh và nỗ lực cống hiến.
Sẽ có thách thức lớn khi sát hạch, nhưng nếu vượt qua, đây sẽ là cú hích quan trọng trong lộ trình nâng cao hiệu quả bộ máy công quyền, đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của xã hội.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/xoa-bo-tam-ly-cong-chuc-suot-doi-mo-ra-co-hoi-cho-nguoi-tai-1483145.ldo
Hoàng Văn Minh (BÁO LAO ĐỘNG)