Bảo vệ công nhân tăng trước tác hại của ma túy
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của loại tội phạm này, thời gian qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những biện pháp cụ thể để giúp công nhân tăng “sức đề kháng” trước tác hại của ma túy.
Với hàng triệu lao động, trong đó đa số là lao động phổ thông, các KCN, KCX là địa bàn “lý tưởng” để ma túy thâm nhập. Phần lớn lao động phải tự thuê chỗ ở, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn, điều kiện tiếp xúc với những tệ nạn xã hội rất dễ dàng.
Hiểu biết pháp luật hạn chế; việc làm, thu nhập bấp bênh; cường độ lao động cao, thường xuyên tăng ca, thêm giờ, công nhân ít có điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh khiến tâm lý bị tù túng, dẫn đến buồn, chán… Ngoài ra còn do nhận thức sai lầm về tác hại của ma túy cùng tâm lý tò mò, thích tìm cảm giác lạ đã khiến nhiều công nhân trẻ bị dụ dỗ sử dụng ma túy. Đến nay, chưa có con số chính xác bao nhiêu phần trăm CNLĐ nghiện ma túy nhưng CNLĐ "vướng" ma túy là một thực tế, đủ các ngành như công nhân may, công nhân ngành điện, viễn thông hay trong các doanh nghiệp tư nhân...
Bảo vệ NLĐ không sa vào các tệ nạn ma túy cũng là mong muốn của nhiều chủ doanh nghiệp. Bởi, chỉ cần một đối tượng nghiện ma túy sẽ lôi kéo công nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp cũng như kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của loại tội phạm này, thời gian qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những biện pháp cụ thể để giúp công nhân tăng “sức đề kháng” trước tác hại của ma túy. Cụ thể trong văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy trong công nhân viên chức lao động năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp chủ động làm tốt công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy trong công nhân, viên chức, lao động. Đó là, tổ chức tuyên truyền giáo dục kiến thức phòng, chống ma tuý bằng nhiều hình thức tới công nhân, viên chức, NLĐ về tác hại của ma túy đối với việc làm, đời sống, sức khỏe và hạnh phúc gia đình, nhất là ma túy tổng hợp cũng như phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, những kỹ năng cần thiết để mỗi người nâng cao nhận thức, khả năng phòng, tránh tệ nạn ma túy.
Phát động phong trào công nhân, viên chức, lao động tham gia phòng, chống ma túy, nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, tố giác tội phạm, tại các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng chất ma túy. Đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong việc tuyên truyền, vận động gia đình, người thân thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy.
Quan tâm và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tới bộ phận CNLĐ đang làm việc trong những ngành nghề có đặc thù xa nhà, công việc lặp đi lặp lại, địa điểm làm việc ở nơi xa những trung tâm văn hóa - xã hội, CNLĐ các ngành Giao thông, Xây dựng, Điện lực, Than - Khoáng sản, CNLĐ trẻ tại các KCN, KCX, khu nhà trọ, những người có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo vào tệ nạn ma túy và tại những địa phương có nhiều điểm nóng về ma túy.
Tiếp tục xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến phòng, chống ma túy đảm bảo an ninh trật tự tại các địa bàn có đông CNLĐ. Cụ thể, duy trì và phát triển nhân rộng các mô hình về an ninh trật tự có hiệu quả tại các KCN; Thành lập và nhân rộng các “Khu nhà trọ công nhân không có tội phạm, ma tuý và tệ nạn xã hội” tại các tỉnh có KCN, có đông CNLĐ. Xây dựng mô hình truyền thông phòng, chống ma tuý tại các KCN tập trung; tăng cường các thiết chế hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo sân chơi lành mạnh giúp công nhân tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội.
Cùng với đó là tăng cường phối hợp với lực lượng Công an trong công tác phòng, chống ma túy và quan tâm huy động các nguồn lực, xã hội hóa các hoạt động phòng, chống ma túy trong công nhân, viên chức và NLĐ.
Hằng năm, LĐLĐ các địa phương đã chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch, tuyên truyền giáo dục pháp luật nói chung và phòng, chống ma túy nói riêng trong công nhân viên chức, lao động. Các công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS trực thuộc đã triển khai các nội dung tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tránh xa các tệ nạn xã hội, “Nói không với ma túy”... Phương pháp tuyên truyền được đổi mới, linh hoạt với thời gian, địa điểm phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, doanh nghiệp nhằm không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp, đời sống, thu nhập của công nhân và đem lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, công tác tuyên truyền hướng mạnh vào đối tượng CNLĐ trẻ, vì phần lớn họ chưa hiểu biết, kiến thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy.
Nổi bật là, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Bình Dương, LĐLĐ tỉnh Bình Dương trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức 28 cuộc tuyên truyền ở các khu nhà trọ tập trung CNLĐ trên địa bàn TP. Dĩ An và TX.Tân Uyên về kiến thức pháp luật, trong đó có Luật Phòng, chống ma túy cho hơn 2.800 lượt CNLĐ. Đặc biệt, Trung tâm còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương nơi tập trung đông CNLĐ ở trọ để tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội về ma túy...
Tại CĐCS Công ty TNHH Giày Thông Dụng (Bình Dương), thông qua nhiều hình thức tuyên truyền trực tiếp, thông qua bảng tin nội bộ ở các xưởng sản xuất trong Công ty, mạng xã hội Zalo và Facebook... Công ty kịp thời cung cấp những thông tin về tình hình tệ nạn ma túy, nhận diện các loại ma túy, những tác hại, ảnh hưởng khôn lường của các loại ma túy tới sức khỏe để giúp NLĐ chủ động phòng tránh.
Các cấp công đoàn đã đặc biệt quan tâm phát triển, ứng dụng mạnh mẽ các phương thức tuyên truyền có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng như Internet, mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trên điện thoại trong công tác tuyên truyền, thông tin, tư vấn, hỗ trợ công nhân. Các cảnh báo về tội phạm, ma túy về tác hại của các loại ma túy hiện nay đã được các cấp công đoàn cung cấp nhanh chóng, kịp thời trên phương thức truyền thông điện tử này để kịp thời giúp đỡ bộ phận thành viên công đoàn, công nhân cảnh báo và phòng ngừa.
Ngoài ra, các cấp công đoàn đã chủ động lồng ghép hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma tuý trong các hoạt động thường xuyên của tổ chức Công đoàn, như hoạt động của “Tháng Công nhân”. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng và duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình cụm văn hóa thể thao - CNLĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với lực lượng Công an xây dựng và duy trì hoạt động mô hình công nhân tự quản khu nhà trọ. Hiện cả nước có 22 địa phương có mô hình này với 2.538 tổ và 207.552 CNLĐ tham gia.
Mặc dù các lực lượng chức năng, các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tác hại của ma túy xâm nhập vào đời sống công nhân. Tuy nhiên, để ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa ma tuý, vấn đề quan trọng nhất chính là mỗi CNLĐ cần có nhận thức đầy đủ về tác hại của ma tuý để tuyệt đối tránh xa, không sử dụng, dù chỉ một lần.
AN NGỌC