Lao động nữ tại Công ty TNHH AMANN Việt Nam được tăng mức hỗ trợ nuôi con nhỏ; nghỉ 1 tiếng trong giờ làm để vắt sữa; ngày quốc tế phụ nữ được nghỉ và hưởng nguyên lương hoặc nhận hỗ trợ 200 nghìn đồng.
Ba quyền lợi nói trên vừa được thỏa thuận trong cuộc đối thoại giữa Công đoàn cơ sở (CĐCS) và đại diện người sử dụng lao động tại Công ty TNHH AMANN Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam), ngày 20/9.
Cuộc đối thoại do LĐLĐ tỉnh Quảng Nam tổ chức. Đồng chí Trần Thu Phương - Phó trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam và đại diện công nhân Công ty tham dự hội nghị.
|
Quang cảnh cuộc đối thoại. Ảnh: Hoài Nam |
Đây là hoạt động điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ thông qua đối thoại tại nơi làm việc”. Quảng Nam là một trong 6 tỉnh của cả nước được chọn triển khai hoạt động này.
Buổi đối thoại giữa CĐCS - đại diện người lao động và bà Mai Thị Li - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH AMANN Việt Nam - đại diện chủ sử dụng lao động.
Đại diện BCH CĐCS Công ty đề xuất 3 quyền lợi cho lao động nữ, gồm: tăng mức hỗ trợ cho người lao động nuôi con nhỏ đưới 6 tuổi (từ 50.000 đồng lên mức 100.000 đồng/tháng/cháu); lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, ngoài chế độ nghỉ ngơi 60 phút mỗi ngày theo quy định còn được nghỉ thêm 60 phút trong giờ làm việc để vắt sữa, nếu không có nhu cầu mà vẫn làm việc thì công ty tính thêm 100% lương; các ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, lao động nữ được nghỉ hưởng nguyên lương; hoặc doanh nghiệp hỗ trợ tiền mặt 300.000 đồng/người.
Công đoàn cho biết, công ty hiện có 114 lao động nữ. Tình hình đơn hàng của công ty hiện có giảm nhưng vẫn duy trì ổn định. Việc đề xuất tăng 3 quyền lợi cho lao động nữ nêu trên nếu được đáp ứng sẽ là sự động viên lớn, giúp họ yên tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp.
|
Ký kết biên bản thỏa thuận sau đối thoại giữa người sử dụng lao động và đại diện tập thể người lao động. Ảnh: Hoài Nam
|
Sau khi xem xét, đại diện người sử dụng lao động đồng ý với cả 3 nội dung đề xuất của CĐCS. Tuy nhiên, ở nội dung “vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, lao động nữ được nghỉ và hưởng nguyên lương; hoặc doanh nghiệp hỗ trợ tiền mặt 300.000 đồng/người”, người sử dụng lao động đồng ý hỗ trợ tiền mặt 200.000 đồng/người. Hai bên thống nhất thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2025.
Bà Mai Thị Li - Giám đốc Tài chính Công ty TNHH AMANN Việt Nam cho biết, hoạt động thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp diễn ra trong nhiều năm qua. Có nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn trong các ngày lễ lớn; thưởng tháng lương 13 cho người lao động; trang bị phòng y tế, phòng vắt, trữ sữa mẹ; khám sức khỏe định kỳ...
Dự kiến thời gian tới, Ban Chấp hành CĐCS sẽ đề xuất thêm với lãnh đạo công ty một số nội dung hỗ trợ người lao động.
Vượt qua “rào cản” xây dựng quan hệ hài hòa
Đồng chí Trần Thu Phương - Phó Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá buổi đối thoại đáp ứng tất cả các yêu cầu được quy định trong Bộ luật Lao động và rất thành công.
|
Đồng chí Trần Thu Phương (trái) trao đổi bên lề cuộc đối thoại với đại diện doanh nghiệp. Ảnh: Hoài Nam |
Theo đồng chí Trần Thu Phương, hoạt động nữ công công đoàn mà hoạt động chính là phải chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ. Để triển khai các hoạt động này thì các quy định trong Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Thực hiện dân chủ cơ sở cũng đã thể hiện rất rõ; các văn bản dưới luật cũng đã thể hiện rất rõ nội dung này.
“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nếu chúng ta chỉ tập trung tuyên truyền về luật thì các anh chị ở CĐCS chưa thể nắm hết được. Chính vì thế mà chúng tôi nghiên cứu cách thức tuyên truyền theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, làm mẫu mọi công đoạn và tư vấn mọi nội dung sao cho chuẩn nhất theo quy định của pháp luật để mọi người nắm hết được các quy định của Luật. Và từ những mẫu như vậy, các anh chị ở CĐCS sẽ triển khai tại các doanh nghiệp. Và chúng tôi cũng mong những nội dung đàm phán có lợi cho lao động nữ như thế, các anh chị ở CĐCS thấy rằng đây thực sự là hoạt động rất ý nghĩa, luôn có tác dụng với lao động nữ và được lao động nữ ủng hộ thì dễ nhân rộng”, đồng chí Trần Thu Phương nói.
|
Không khí cởi mở, thấu hiểu và tạo những đồng thuận cao tại cuộc đối thoại. Ảnh: Hoài Nam |
“Không phải lúc nào cũng đấu tranh mà chúng ta cần sự linh hoạt, mềm dẻo và khôn khéo của cán bộ Công đoàn. Nếu như các đồng chí ấy biết được đặc điểm tình hình doanh nghiệp, của đoàn viên của mình, thì từ nhu cầu chính đáng của đoàn viên và với chức năng nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người lao động trong đó có lao động nữ, cán bộ Công đoàn cũng sẽ tìm được cách hài hòa các mối quan hệ, giúp người lao động có những chính sách tốt, từ đề xuất ấy mà doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của họ, qua đó nâng cao vị thế của doanh nghiệp lên, các đơn hàng của doanh nghiệp theo đó có được nhiều hơn, được khách hàng đánh giá cao hơn. Tôi cho rằng hoạt động này thiết thực của cả hai bên và đôi bên cùng có lợi”, đồng chí Phương nói thêm.
Công ty TNHH AMANN Việt Nam là thành viên của Tập đoàn AMANN, chuyên sản xuất và cung cấp chỉ may, chỉ thêu chất lượng cao. Công ty được thành lập năm 2012, hiện có 233 công nhân lao động, trong đó có 114 lao động nữ. Số lao động đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi tại công ty là 88 người.
LĐCĐ