Khu công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng nơi sẽ thu hút ngành sản xuất chíp bán dẫn. Ảnh: Trần Văn
Định hướng chiến lược mang lại động lực cho doanh nghiệp
Tại Đà Nẵng, Tập đoàn FPT vừa khánh thành, đưa vào hoạt động Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn tại Khu công viên phần mềm số 2 - nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng TP.
Dịp này, FPT đã đưa ra cam kết trong năm 2025 sẽ thu hút khoảng 500 nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao, chip bán dẫn tại Đà Nẵng và hiện thực hóa khát vọng sản xuất chip bán dẫn “Make in Việt Nam”. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết: “5 năm lại đây, FPT đẩy mạnh chiến lược phát triển sản phẩm công nghệ mới như chip bán dẫn, AI... Trung tâm R&D Công nghệ cao và chip bán dẫn FPT tại Đà Nẵng được xác định trở thành một “Tech hub”, nơi “khai sinh” các sản phẩm công nghệ cao mang dấu ấn “Made by FPT - Make in Vietnam”. Mục tiêu sẽ quy tụ 500 chuyên gia công nghệ vào năm 2025 và không ngừng mở rộng trong tương lai. Nơi đây cũng sẽ nghiên cứu phát triển 100% sản phẩm Made by FPT, kỳ vọng trung bình mỗi năm sẽ có 10 sản phẩm mới ra đời, trở thành điểm đến kết nối startup trong khu vực, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tới cộng đồng doanh nghiệp”.
Nghị quyết 57 sẽ thúc đẩy, coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một động lực mới để phát triển kinh tế xã hội, Đà Nẵng đang đi rất đúng hướng và bây giờ cần rất nhiều tập đoàn không chỉ FPT.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nghị quyết 136 được Quốc hội thông qua ngày 26.6.2024 đã mở ra không gian phát triển mới cho Đà Nẵng, đặc biệt trong thu hút nhà đầu tư chiến lược ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Thành phố đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, kỹ sư công nghệ thông tin và AI.
Nếu như năm 2023, thành phố Đà Nẵng chỉ có 9 doanh nghiệp thiết kế chip nay đã lên 21 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có sự xuất hiện những doanh nghiệp đóng gói tiên tiến, kiểm thử bán dẫn, từng bước hình thành hệ sinh thái bán dẫn.
Ông Lê Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo, thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo thành phố Đà Nẵng - cho biết, hiện nay, tại khu công viên phần mềm số 2 Đà Nẵng đã có gần 20 dự án startup về AI, chíp bán dẫn khẳng định sức hút từ Đà Nẵng: “Có rất nhiều Startup tiềm năng đã đến và đang lập nghiệp tại thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi rất kỳ vọng vào tương lai tươi sáng trong lĩnh vực này trong thời gian tới”.
Đà Nẵng cũng đặt ra các mục tiêu và giải pháp rõ ràng về đào tạo nhân lực. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 35-40% GRDP cho Đà Nẵng và có ít nhất 5.000 kỹ sư tài năng trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, gồm 2.000 kỹ sư thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên đóng gói, kiểm thử.
Để đạt mục tiêu trên, Đà Nẵng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - được xác định là đột phá hàng đầu, động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đẩy mạnh hỗ trợ nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và AI; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước; đồng thời hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ phát triển ngành.
Với định hướng chiến lược, chính sách hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế trung tâm công nghệ cao của khu vực. Sự phát triển ngành vi mạch bán dẫn và AI không chỉ mở ra cơ hội mới cho thành phố mà còn đóng góp vào sự phát triển quốc gia trong kỷ nguyên số.
https://laodong.vn/cong-doan/da-nang-ky-vong-co-5000-ky-su-ban-dan-vao-nam-2030-1488886.ldo