Công việc khai thác hầm lò rất nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động. Ảnh: Trọng Bảo
Chi nhánh luyện đồng Lào Cai - Vimico hiện đang quản lý 2 Nhà máy luyện đồng 1 (nằm ở Khu công nghiệp Tằng loỏng, huyện Bảo Thắng) và Nhà máy luyện đồng 2 (nằm tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát). Toàn chi nhánh có trên 1.100 công nhân làm việc ở các phân xưởng.
Anh Phàn A Minh, dân tộc H’Mông ở xã Dền Thàng, huyện Bát Xát chia sẻ, trước đây, để đi đến khu vực khai thác nằm sâu trong lòng đất, công nhân phải đi bộ gần nửa cây số. Thời gian gần đây, phân xưởng đã đầu tư hệ thống cơ giới đưa, đón công nhân lên, xuống khu vực khai thác, góp phần đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động.
“Theo quy định của công ty, nếu chưa đủ bảo hộ lao động khi vào ca thì sẽ không được vào làm việc. Chúng tôi cũng ý thức hơn việc bảo vệ an toàn cho chính bản thân mình khi làm việc ở dưới độ sâu hàng trăm mét”, anh Minh nói.
Ông Mạc Văn Tiến, Quản đốc Phân xưởng khai thác hầm lò 1 cho biết: Hiện nay, phân xưởng có 250 công nhân, trong đó có trên 90% lao động là người dân tộc thiểu số. Từ năm 2024, công ty đã đưa vào vận hành hệ thống các toa xe vận chuyển công nhân lên xuống (thay vì phải đi bộ xuống hầm lò). Qua đó, đảm bảo an toàn và giảm bớt sức lực của công nhân làm việc tại đây.
Theo ông Tiến, khai thác trong hầm lò là nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Một số nguy cơ chính là đất đá om treo rơi vào người, trơn trượt khi đi lại, đặc biệt là nguy cơ ngạt khí trong quá trình sản xuất do khí độc phát sinh khi tiến hành khoan nổ mìn. Vì vậy, phân xưởng phải thực hiện các biện pháp thông gió, nhanh chóng giải tán lượng khí độc trong khu vực làm việc.
Hàng năm, phân xưởng thực hiện tổ chức tập huấn an toàn lao động cho người lao động 5 lần theo quy định. Trong đó, chú trọng vào việc hướng dẫn kỹ thuật khi đơn vị tổ chức thi công phần việc mới; cập nhật các quy định an toàn lao động cũng như chế động bảo hộ lao động để công nhân nắm được và thực hiện. Ngoài ra, phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Lào Cai tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
“Ngoài ra, chúng tôi đang thực hiện chế độ ăn ca gần 70.000 đồng/người/ca; cơ bản đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, cũng như góp phần hồi phục sức khỏe cho công nhân sau ca làm việc”, ông Tiến bày tỏ.
Ông Vũ Đức Hưởng, Phó Trưởng Phòng Điều độ, Phân xưởng hầm lò cũng cho hay: Camera được lắp đặt ở tất cả vị trí, từ mặt bằng đến khu sản xuất trong hầm lò để theo dõi quá trình sản xuất của công nhân, người lao động. Khi phát hiện bất thường, bộ phận trực ca sẽ gọi điện đến khu sản xuất, báo cho công nhân trong khu vực nguy hiểm rút về vị trí an toàn và thực hiện các biện pháp khắc phục triệt để rủi ro.
Theo ông Vũ Đức Hưởng, việc chú trọng bảo đảm an toàn lao động trong khai thác giúp công ty hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc, đồng thời giúp người lao động yên tâm gắn bó với đơn vị.
Khoảng 2h15 phút ngày 15.6.2024, tại Phân xưởng Khai thác hầm lò 2, Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền - Vimico, nhóm 5 công nhân đang khoan nổ mìn thì bất ngờ bị đá rơi từ nóc lò xuống. Vụ việc khiến một người sinh năm 1996 tử vong và một công nhân sinh năm 1995 bị thương nặng, phải chuyển đi Hà Nội điều trị.
https://laodong.vn/cong-doan/dam-bao-an-toan-cho-cong-nhan-khai-thac-quang-nam-sau-trong-long-dat-1510566.ldo