Ma trận việc làm dịp Tết
Trần Quang Anh là nhân viên trung tâm truyền thông của một trường đại học tư thục tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Do dịp Tết là mùa thấp điểm truyền thông tuyển sinh của trường nên công việc của Quang Anh khá nhẹ nhàng. Vừa muốn có thêm thu nhập dịp Tết, vừa muốn thử sức mình, Quang Anh lên mạng thử tìm việc làm thêm.
“Gõ chuột xong, chỉ vài giây em đã có hàng nghìn kết quả, cảm giác như lạc vào ma trận. Từ nhân viên kinh doanh, nhân viên hành chính, nhân viên trực tổng đài cho đến kỹ sư, thậm chí có những công việc rất đơn giản, nhẹ nhàng như nhân viên lễ tân sự kiện gala dinner cuối năm… Em thử vào hỏi 2 công việc, 1 có mức lương cao nhất, 1 có yêu cầu đơn giản nhất thì cả 2 đều yêu cầu kết bạn Zalo để hướng dẫn. Em hỏi địa chỉ trụ sở công ty để đến tận nơi làm việc thì người giao dịch (thông qua tin nhắn messenger) nói trụ sở chính ở Thành phố Hồ Chí Minh rồi tìm cách thoái thác. Không đủ tin tưởng nên em không giao dịch thêm”, Quang Anh kể lại.
Chị Lại Thị Hà Linh (quê huyện Vũ Thư, Thái Bình) hiện đang làm nhân viên kế toán cho một doanh nghiệp cơ khí tại phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội). Dịp cuối năm, muốn tăng thu nhập nên chị vào hội nhóm của khu chung cư đang sinh sống để tìm việc. Đọc được thông tin đúng kiểu “việc nhẹ, lương cao”, chị Linh giao dịch thì mới… ngã ngửa vì những chiêu lừa oái oăm của “nhà tuyển dụng”.
“Họ nói tuyển nhân viên chăm sóc khách hàng của phòng khám nha khoa, lương cứng 7 triệu đồng kèm nhiều phúc lợi, cũng không đòi hỏi về trình độ, học vấn, chỉ cần ưa nhìn. Tôi hứng thú vì phòng khám rất gần chung cư nơi tôi đang thuê. Tuy nhiên, khi hỏi kỹ về KPI, tôi nhận ra, để có được lương cứng 7 triệu đồng, doanh số bán hàng cá nhân của tôi phải đạt tối thiểu 30 triệu đồng/tháng; chưa kể hàng chục yêu cầu phụ…”, chị Linh nói.
Cũng theo chị Linh, hoài nghi về yêu cầu của nhà tuyển dụng, chị vào thông tin đăng tải trước đó, xem toàn bộ comment kiểu “cảm ơn chị cho em công việc tốt”, “cảm ơn bạn, tháng vừa rồi mình có thu nhập 15 triệu đồng”… thì toàn của các nick ảo.
“Đa số là quảng cáo “ảo”, mồi chài đặt cọc lừa đảo hoặc các đòi hỏi oái oăm từ nhà tuyển dụng… để bẫy người cả tin mà thôi”, chị Linh kết luận.
Lừa đảo việc làm ngày càng phức tạp
Theo Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, vấn đề lừa đảo tuyển dụng lao động, nhất là vào các dịp cuối năm không còn mới. Tuy nhiên, hiện nay do mạng xã hội bùng nổ và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn.
“Để phòng tránh lừa đảo trong tuyển dụng, người lao động nên ưu tiên nộp hồ sơ qua các kênh tuyển dụng chính thức của doanh nghiệp hoặc qua các phiên giao dịch việc làm chính thống”, ông Thành chia sẻ.
Một lưu ý nữa ông Thành đưa ra là người lao động cần cẩn trọng trước việc tuyển dụng lao động thông qua trung gian và có thu phí. Đối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thật thì thường không yêu cầu nộp phí khi ứng tuyển. Khi muốn ứng tuyển, người lao động có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để xác nhận thông tin tuyển dụng. Điều này không chỉ giúp người lao động nắm rõ thông tin mà còn tạo cơ hội phỏng vấn trực tiếp, tránh mất thời gian đi lại không cần thiết. Cùng với đó, các doanh nghiệp tuyển dụng cũng cần thông báo các kênh tuyển dụng chính thức và cách nhận biết để người lao động tránh nhầm lẫn.
Một số hành vi lừa đảo tuyển dụng điển hình được trang tuyển dụng vietnamworks.com chỉ ra là: giả mạo công ty lớn qua việc giả mạo địa chỉ email và gửi email tiếp cận đến ứng viên; mạo danh công ty lớn qua nội dung trao đổi qua điện thoại và các nền tảng giao tiếp; mạo danh công ty lớn để đăng tuyển trên các nền tảng tìm việc làm; hay thậm chí giả mạo cả các trang web tìm việc làm uy tín.
https://laodong.vn/cong-doan/nga-ngua-voi-chieu-viec-nhe-luong-cao-dip-tet-1438490.ldo